(Kienthuc.net.vn) - Tuy hóa thân của Đức Phật đã rời bỏ thế gian nhập Đại Niết Bàn nhưng Pháp thân của Ngài vẫn tồn tại mãi mãi. Tồn tại ở đoàn thể Tăng già, trong pháp bảo, trong hư không giới.
Đức Phật đản sinh |
Đức Phật đản sinh từ bên hông phải của mẹ (Hoàng hậu Ma Da vợ vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ - PV) trong vườn Lâm Tỳ Ni. Với bảy đóa sen đỡ bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà rằng: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất, chỉ có trí huệ siêu phàm của bậc Giác Ngộ mới là tôn quý). Khi ấy là lúc rạng sáng ngày 15 tháng 4 năm 624 TCN.
Vua cha rất yêu quý Thái Tử, làm lễ đặt tên là Tất Đạt Đa, họ là Thích Ca. Thái Tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của thánh nhân.
Thái tử Tất Đạt Đa kết hôn với công chúa Da Du Đà La |
Năm 17 tuổi, Thái tử sánh duyên cùng công chúa Da Du Đà La xinh đẹp và hạ sinh được một người con trai đặt tên là La Hầu La.
Thái tử dùng Kiếm huệ để cắt tóc |
Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh nhưng lòng Thái tử vẫn luôn phảng phất đôi điều suy ngẫm về lẽ vô thường của hạnh phúc.
Giữa khuya mùng 8 tháng 2, Thái tử cùng người hầu Xa Nặc cưỡi ngựa Kiền Trắc, vượt dòng A Nô Ma, quyết chí xuất gia tầm đạo, cứu độ chúng sinh thoát khỏi sinh - già - bệnh - tử, đoạn diệt phiền não đau khổ, sanh tử luân hồi.
Liễu ngộ trung đạo xả bỏ khổ hạnh |
Sáu năm khổ hạnh nơi rừng già, biết bao chướng ngại với nhiều pháp môn. Mỗi ngày, Thái tử chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo cho đến khi kiệt sức.
Một hôm nghe tiếng đàn giữa không trung, Thái tử hiểu rằng tu theo lối khổ hạnh ép xác thì không thể tìm ra con đường giải thoát, chỉ có tu theo trung đạo là con đường duy nhất vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích để dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn.
Quán tưởng duyên khởi - Chứng Vô Thượng Chánh Giác |
Suốt 49 ngày đêm ngồi yên tu tập, quán chiếu nội tâm. Trải qua bao hiểm nguy bởi nạn quỷ dữ, Ma vương, những cám dỗ của ý thức, những ma chướng tự thân.
Mọi cái đều hòng làm Ngài lung lạc ý chí, phế bỏ đường tu. Nhưng tất cả đều bị khuất phục bởi sức mạnh phi thường của bậc vĩ nhân xuất thế, Ngài đã chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vào ngày mùng 8 tháng 12.
Phạm Thiên Thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân |
Sau khi chứng quả, Đức Phật quan sát căn tính chúng sinh nơi cõi nhân gian căn lành ít, bướng bỉnh khó giáo hóa, thấy khổ nhưng không muốn thoát khổ, chưa đủ lòng tin để tiếp nhận giáo pháp.
Khi ấy Trời Đại Phạm hiểu thấu ý Phật nên đến dâng hoa cúng dường, ân cần cầu thỉnh Đức Phật thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Cảm lòng thành khẩn của vua Trời Đại Phạm, Đức Phật từ bi hứa khả. Ngài đã độ hơn ngàn đệ tử.
Phật hiện tướng bệnh sắp Nhập Diệt |
Trên đường giáo hóa, Đức Phật thọ nhận buổi cúng dường của người thợ rèn Thuần Đà. Sau khi thọ trai xong, Phật bảo với đại chúng: "Đây là buổi thọ trai cuối cùng của Như Lai trên thế gian này".
Khoảnh khắc sau, Phật hiện tướng bệnh tật để nhắc nhở các hàng đệ tử không nên quên lý vô thường trong cuộc sống, dù là bậc Đại Giác cũng không thoát khỏi khi còn thọ báo thân cõi trần. Và đó cũng chính là điềm báo trước cho nhân thiên.
Dưới cây Ta La Phật Nhập Niết Bàn |
Hơn 49 năm độ sinh thuyết pháp, từ vườn Lộc Uyển cho đến thành Câu Ty Na. Trước lúc vào tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật khai thị cho chúng đệ tử lần cuối cùng: "Phải nương theo Giới Luật làm thầy, hãy tự mình thấp đuốc lên mà đi".
Sau những lời di ngôn dặn dò đại chúng đường hướng tu hành, Như Lai nằm nghiêng bên phải, an tường vào đại định Niết Bàn. Khi ấy, trái đất rung động, người trời đều thương khóc, vì biết rằng chỗ nương tựa duy nhất của mình từ nay không còn nữa.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của thư viện Hoa Sen)
Bùi Hiền
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:
- Sức mạnh của cầu nguyện (10/05/2012)
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesakha (10/05/2012)
- Ý nghĩa Phật đản Phật lịch 2555 - Dương lịch 2011 (23/06/2011)
- Ăn chay: Từ phương tiện đến đích thật (23/06/2011)
- Một vài suy nghĩ về ngày Đản sinh của Đức Phật (10/05/2011)
- "Dân" nào mê tín, "Thánh thần" nào ăn tiền hối lộ? (22/04/2011)