Chào mừng quý vị ghé thăm website của chùa  Linh Sơn Tự

Số lượt xem: 2373
Gửi lúc 12:24' 23/06/2011
Ý nghĩa Phật đản Phật lịch 2555 - Dương lịch 2011

NHẬN THỨC SÂU SẮC GIÁO LÝ DUYÊN SINH ĐỂ TÍCH CỰC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

Khi mùa sen bắt đầu tỏa hương thơm ngát, hàng triệu người Phật tử khắp nơi trên thế giới hân hoan đón mừng đại lễ Phật đản, kỷ niệm một sự kiện hy hữu của loài người: Đức Phật thị hiện giữa đời. Người con Phật khắp năm châu vượt qua những ngăn cách về ngôn ngữ, địa lý, cùng hòa nhịp con tim, thành kính cung nghinh Bồ tát Hộ Minh từ cõi trời Đâu Suất giáng trần.

Cách đây 2635 năm tại Vườn Lâm Tỳ Ni thuộc Tiểu Vương quốc Ca Tỳ La Vệ thuộc Ấn Độ cổ xưa, có một loài hoa Ưu đàm ba ngàn năm mới trổ hoa một lần bỗng nở rộ, tỏa ngát hương thơm báo hiệu tin vui: Hoàng hậu Maya hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa, sau này từ bỏ mọi thứ dục lạc trong đời, thể nghiệm chân lý và đã chứng quả vị Phật – Bậc Giác Ngộ và Giải thoát hoàn toàn mọi phiền não, mọi ràng buộc của nhân gian.

Cuộc đời của Đức Phật từ sơ sinh cho đến lúc nhập Đại Niết bàn luôn gắn bó với thiên nhiên. Ngài giáng sinh dưới cây Ưu đàm, thiền định trong rừng sâu, thành đạo dưới cội cây Bồ Đề và Nhập Niết bàn trong rừng Sa la…

Đức Phật xuất hiện giữa thế gian, như kinh A Hàm đã đề cập, không gì hơn là “vì lòng thương tưởng vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người”.

Giáo lý cơ bản mà Ngài khai thị là giáo lý Duyên Khởi: “Cái này có mặt, cái kia có mặt; cái này không có mặt, cái kia không có mặt; cái này sinh, cái kia sinh; cái này diệt, cái kia diệt”. Các pháp, mọi sự vật hiện tượng hiện hữu là hiện hữu trong mối tương quan, tương duyên… mang tính hỗ tương.

Do lòng tham muốn thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, con người đã không tôn trọng quy luật Duyên sinh, khai thác nguồn lợi làm xâm hại nghiêm trọng đến thiên nhiên, nên phải gánh chịu nhiều thảm họa khổ đau. Muốn chấm dứt những thảm hoạ thiên tai, trước hết con người phải có ý thức nghiêm túc về giáo lý Duyên sinh, thiên nhiên cho chúng ta môi trường sống thì chúng ta phải có ý thức tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên để giữ môi trường trong sạch và cân bằng sinh thái.

Trên con đường tìm chân lý, Đức Phật cùng chư đệ tử thường an trú nơi núi non, hang động, dưới những cội cây. Ngài khuyên chư đệ tử không nên đốn phá cây cối, cho dù là chặt cành hay bẻ lá…Đức Phật còn chế giới không được ném bỏ rác rưởi hay khạc nhổ trên nước, vì sẽ làm ô nhiễm môi trường. Ngài nhắc nhở Tăng đoàn vào mùa mưa nên tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc đi ra đường dẫm đạp lên cỏ non, giết hại côn trùng và gây tổn hại cho những sinh linh khác, dù hữu hình hay vô hình.

Trong các kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật đã nhiều lần có lời dạy về việc giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển sự sống bằng cách khuyến khích việc trồng cây xanh để có thêm bóng mát, lợi ích chung. Trong Anguttara, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”.

Tiếp nối thánh hạnh của Đức Thế Tôn, các thiền sư tiền bối thường chọn những vùng thiên nhiên tươi tốt, núi rừng thâm u để cất dựng thảo am làm nơi tu hành, thực tập giới, định, tuệ. Chùa chiền do đó cũng thường có cảnh trí hài hoà với thiên nhiên, khiêm tốn ẩn mình dưới các tàng cổ thụ, khéo léo nép bên vách núi, đầy bóng mát của cây xanh, hòa giữa sơn thuỷ hữu tình.

Con người nhân danh sự sống xã hội văn minh, nhân danh trí thông minh, mà thực ra là bị lòng tham lam không cùng sai khiến, đã khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng đời sống sinh thái vốn tốt đẹp, chế tạo ra những hóa chất để kích thích sự tăng trưởng… đã vô tình để lại những hậu quả khó lường cho môi trường sống.

Con người đã chế tạo ra năng lượng nguyên tử, nhưng khổ thay lại không có giải pháp an toàn cho nó mỗi khi gặp sự cố, cho nên hậu quả của những sự việc này là rất khó lường. Đó là bi kịch của những sáng tạo được nhân danh văn minh, trí thông minh vượt bực mà lại thiếu động cơ tốt lành, tôn trọng môi trường sinh thái.

Có thể khẳng định rằng, tất cả mọi việc làm tác hại đến môi trường sinh thái và hủy hoại trái đất này đều phát xuất từ tâm tham lam, tâm trục lợi, tâm ích kỷ, tâm si mê của con người. Thực tế cho thấy những người, hay những đoàn vì lòng tham vô cùng, nên họ thường tóm thu về cho cá nhân hay cho nhóm, khiến họ trở thành mù quáng và rất tàn ác, mất cả nhân tính. Họ sẵn sàng sát hại, gây chiến tranh, làm cho nghèo đói, bệnh tật lan tràn, tiêu hủy mạng sống của con người, của các loài và môi sinh cũng từ đó ngày càng hư hoại thêm. Hoặc để thu được món lợi khổng lồ, song song với việc khai thác tài nguyên bừa bãi, họ còn xả chất độc hại vào lòng đất, vào sông ngòi, vào không khí, làm ô nhiễm môi sinh, tác hại đến sức khỏe và gây bệnh tật cho nhiều người.

Hàng đệ tử Phật ứng dụng lời Phật dạy, không tham lam, không làm những việc tác hại đến muôn loài, hại mình và hại môi trường qua cách sống thiểu dục tri túc. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hủy môi sinh, không khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, chỉ khai thác những gì thiết yếu và khai thác có mức độ, để thế hệ kế tiếp có thể tiếp tục được hưởng của cải thiên nhiên. Đó là cách tốt nhất để cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và phòng tránh những thảm hoạ thiên tai tàn khốc, như chúng ta đã và đang thấy hiện tượng đó diễn ra khắp nơi trên thế giới hôm nay.

Tôn trọng sự sống là một điều được đề cao trong Phật giáo, bảo vệ rừng, đấu tranh cho quyền muông thú, chia sẻ những ích lợi một cách bình đẳng, dẹp bỏ tư duy con người có quyền tối thượng, có quyền được hưởng thụ và ép buộc mọi thứ phải theo mình. Người Phật tử nhận thức sâu sắc lời Phật dạy là người luôn ý thức rằng không thể mình có hạnh phúc khi mình xâm phạm đến hạnh phúc của tha nhân; mình không thể có môi trường sống tốt lành nếu không biết đóng góp thiết thực xây dựng môi trường sống lành mạnh, xanh tươi… Ngược lại, mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động có hại cho tha nhân, cho môi trường cũng chính là đang gây hại cho chính mình. Một giải pháp cho một vấn đề xã hội là giáo dục nhận thức của mỗi cá nhân, bắt đầu từ việc giảm thiểu đi tham, sân, si; tăng trưởng các tâm từ, bi, hỷ, xả thì xã hội sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, khi tâm thức của mỗi cá nhân thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Theo cách nhìn của Phật giáo, sẽ không bao giờ có một xã hội tốt đẹp khi ở đó cộng tồn những cá thể chất chứa quá nhiều tham, sân, si - gốc rễ của những hành vi bất thiện có những chiều kích xã hội lớn lao.

Nhân mùa Phật Đản năm nay, học theo lời Đức Thế Tôn đã dạy, người Phật tử chúng ta cùng nhiệt thành hưởng ứng các cuộc vận động vì một môi trường sống tốt lành mà Liên Hiệp Quốc đã khởi xướng, nhằm cứu vãn và bảo vệ màu xanh của trái đất. Chúng ta hãy cùng tiết kiệm năng lượng điện dùng trong sinh hoạt hàng ngày, hãy tham gia hưởng ứng “Giờ trái đất” một cách thiết thực, cũng như các phong trào làm sạch, giữ gìn môi trường sống hiền đẹp, trong sạch do cộng đồng phát khởi.

Chúng ta hãy cùng nhau nhất tâm cầu nguyện sự an lành đến với các nạn nhân trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 tại các thành phố Kesennuma, Onahama, Sendai, Hachinohe của Nhật Bản. Bên cạnh đó, thực hiện lời Phật dạy, chúng ta hãy cùng nhau tiên phong trong việc bảo vệ môi trường sống, bằng cách trồng cây xanh tạo thêm bóng mát, làm gương cho cộng đồng nơi mình sống. Mỗi mầm cây hôm nay sẽ có thể là cây cổ thụ trong tương lai. Mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động thiện lành, tốt đẹp hôm nay sẽ góp phần tạo nên môi trường sống hiền đẹp cho hiện tại và tương lai.

Kính lễ dưới gốc cây Vô ưu, vườn Lâm tỳ ni, thị hiện đản sinh Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nguồn tin: GHPGVN

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video phật giáo

Thư viện hình ảnh

bia
qc4
qc3
qc2