Nhân sinh, nam cũng như nữ, đều có tính cách riêng, có những ưu khuyết điểm khác nhau. Không ai giống ai. Lấy vợ lấy chồng, tức bạn đã chọn một bạn đời, một con người cụ thể, với những đức tính riêng mà đáng lý bạn đã hiểu khá rõ. Không thể nào, nửa chừng trong cuộc sống vợ chồng, bạn lại đòi hỏi người bạn đời của mình biến thành một người khác để đáp ứng sự thay đổi tính khí của bạn.
|
Một người bạn khá thân tôi đã lấy vợ cách đây 3 năm, cả hai hoạt động trong ngành du lịch trước khi quen nhau. Cuộc sống của họ bắt đầu rất hào hứng. Mỗi ngày đi làm về, họ kể cho nhau nghe chuyện nghề nghiệp không biết chán. Khi có con, họ mướn người giúp việc trông con và họ lại lao vào công việc. Với bạn bè, họ là đôi vợ chồng hạnh phúc. Cách đây một năm, bỗng một hôm, anh chồng gặp tôi than phiền vợ mình ít có mặt ở nhà, dành ít thời gian chăm sóc con. Tôi khuyên anh nên thẳng thắn nói rõ suy nghĩ của mình và cùng bàn với vợ điều chỉnh lại cuộc sống chung. Bởi trong thực tế, cuộc sống vợ chồng lâu dài không thể nào cứ giữ một nhịp điệu, một lối sống từ đầu cho đến cuối. Biết điều chỉnh mối quan hệ vợ chồng, lối sống, qua nhiều giai đoạn thay đổi khác nhau của cuộc sống, là hết sức cần thiết để duy trì hạnh phúc và sự bền vững của gia đình.
Đôi vợ chồng trẻ cùng nghề, say sưa với công việc trước đây 3 năm, nay trải qua thời gian nhất định họ đã có những suy nghĩ khác nhau về quan niệm sống và cũng có những thay đổi khác. Vấn đề ở chỗ, người chồng đã không tìm cách điều chỉnh lại nếp sống gia đình, điều chỉnh lại quan hệ vợ chồng cho phù hợp với những suy nghĩ hiện tại của mình qua việc bàn bạc và trao đổi ân tình với vợ. Anh chỉ thấy mình mới có những yêu cầu mới trong cuộc sống và giải quyết nó một cách đơn giản bằng việc muốn vợ mình có những đức tính, cách ứng xử khác.
Trong thực tế, không có người đàn bà nào có thể vừa đảm đương việc gia đình một cách chu toàn, đồng thời lại là một người hoạt động ngoài xã hội thành công. Cũng như không thể có một người chồng vừa lo được việc giáo dục con cái chu đáo và lại là một người cống hiến hết mình cho nghề nghiệp và xã hội.
Một người quen khác của tôi có cô vợ khá xinh, hiền hậu, gần như chẳng bao giờ ra khỏi nhà một mình. Vợ anh chỉ lo quán xuyến việc trong bốn bức tường nhà mình. Thậm chí mọi thứ mua sắm cho gia đình và bản thân cho thân mình, chị cũng để chồng lo liệu. Anh chồng lại rất hài lòng về cô vợ hiền hậu, đôi khi vụng về trong giao tiếp khi gặp gỡ bạn bè hoặc khi dự tiệc tùng. Anh không hề so sánh vợ mình với những phụ nữ giỏi giang khác ngoài xã hội để rồi tự cho rằng mình thiếu may mắn. Ngược lại, anh lại ý thức rất rõ thứ hạnh phúc đặc biệt mà "người vợ trong nhà" của anh đã mang lại. Và anh hiểu rằng một người phụ nữ như thế không phải dễ tìm.
Mỗi người khi chọn vợ chọn chồng trước tiên phải biết được chính mình muốn gì ở người sau này sẽ chung sống với mình. Những cặp vợ chồng lấy nhau khi còn quá trẻ, vốn sống hẹp và không hề có trong đầu mình câu hỏi "mình chờ đợi gì ở người bạn đời tương lai của mình?" trước khi lấy nhau, thường dễ bị đổ vỡ. Bởi trong cuộc sống chung, họ khám phá ra rằng họ không hợp nhau. Lúc đó thì đã quá muộn!
Một người bạn khác của tôi khoảng 35 tuổi, chưa lấy vợ lần nào, đang kén vợ đúng nghĩa, đã nêu ra tiêu chuẩn rất cụ thể mà người phụ nữ sẽ làm vợ anh phải có: 1- Có sự nghiệp tương đương với anh. 2- Có khả năng tài chính chung góp cùng anh. 3- Có thể chia sẻ với anh những suy nghĩ trong cuộc sống.
Cách đặt vấn đề của người đàn ông này, với một số người có thể bị cho là quá thực dụng. Nhưng theo tôi, tình cảm có cả lý trí, không phải là không có cái lý của nó. Dĩ nhiên khi chọn vợ, anh không công khai nêu ra các tiêu chuẩn ấy với người phụ nữ mà anh tìm hiểu. Các tiêu chuẩn ấy anh chỉ dành riêng cho anh để "định hướng" cho mình trong khi tìm kiếm "người vợ lý tưởng". Một phụ nữ khác đã có một đời chồng suýt soát tuổi mình, lần này nêu rõ yêu cầu số 1 là "Nếu lấy chồng một lần nữa, chồng tôi phải hơn tôi một cái đầu".
Chuyện chọn vợ, chọn chồng oái oăm ở chỗ, thường người biết đặt ra những yêu cầu cụ thể để chọn người bạn đời của mình lại là người đã ít nhất một lần gẫy gánh. Đối với phụ nữ, nhiều người cho rằng họ lý trí hơn đàn ông trong việc chọn vợ chọn chồng. Nhưng phụ nữ dễ mềm lòng hơn đàn ông, nên cuối cùng họ lại không kiên trì với mục tiêu đặt ra.
Trong những năm gần đây, các cô gái trẻ tuổi và xinh đẹp thường lấy những ông chồng lớn hơn mình rất nhiều. Phụ nữ trẻ lấy chồng lớn tuổi thường có mục đích nhằm tìm kiếm trước hết sự vững vàng trong cuộc sống vật chất và một vị trí trong xã hội có sẵn qua người chồng. Khi lựa chọn như thế, người phụ nữ trẻ đã bỏ qua một bên các đối tượng tương xứng về tuổi tác và về ngoại hình. Chẳng những họ không mặc cảm về sự so le, mà họ còn hãnh diện về sự chinh phục thành công của mình. Lý do được đặt lên trên sự lãng mạn. Ngược lại khi người đàn ông lớn tuổi chọn một người vợ trẻ, họ cũng biết mình muốn gì. Qua người vợ trẻ, họ mong tìm lại sự trẻ trung và yêu đời cho mình, làm tươi mát lại cuộc sống đã trải qua lắm thăng trầm. Họ không hề đòi hỏi ở người vợ trẻ bản lĩnh và sự giỏi giang của một người phụ nữ từng trải. Sự từng trải, bản lĩnh và sự yêu đời là hai thứ khó tồn tại trong cùng một con người. Chỉ có chọn một trong hai.
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:
-
Không có tin nào!