KHAI THỊ CHO ĐỒNG TU TỊNH TÔNG

Người giảng: Lão Hoà thượng Tịnh Không

Địa điểm: Học Hội Tịnh Tông Hoa Tạng

Thời gian: ngày 17 tháng 11 năm 2008

Các vị pháp sư! Các vị đồng tu, xin chào mọi người. A Di Đà Phật!

Lần này Tịnh Không tôi trở lại Đài Loan, ngay trong khoảng cách này cũng đã có đến mười năm rồi. Mười năm qua thay đổi rất nhiều, không chỉ ở Đài Loan mà thay đổi ở trên toàn thế giới, đều khiến cho người cảm thấy kinh ngạc. Những năm gần đây xã hội trên toàn thế giới xung đột mỗi năm một tăng cao, tai nạn cũng càng ngày càng nhiều, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo với chúng ta, họ nói muốn cứu vãn địa cầu này chỉ còn lại bảy năm nữa, trong khoảng thời gian này nếu không nỗ lực thì không thể cứu kịp nữa, cũng chính là ngày tàn của thế giới mà rất nhiều lời dự đoán cũng như trong các tôn giáo đã nói. Phật giáo không có cách nói này. Thế nhưng ngày trước đại sư Chương Gia đã từng nói qua với tôi, hiện tượng Phật pháp hưng suy chìm nổi là bình thường, sau khi chìm xuống thì dần dần lại hưng vượng trở lại.

Vậy thời đại hiện tại của chúng ta là Phật pháp đang đi xuống dốc, rơi xuống có thể nói là đến tận đáy. Chúng ta không cần tránh né, sự thật đang bày ra trước mắt. Không chỉ là ở khu vực này, mà đi khắp thế giới cũng đều không khác. Vì sao Phật giáo có thể chìm xuống? Chúng ta chính mình phải phản tỉnh, không cần đi hỏi người khác, cũng không nên đi trách người khác, phải trách chính mình.

Lão tổ tông chúng ta dạy bảo chúng ta là “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Vì sao Phật giáo có thể chìm xuống? Là ta nhấn chìm nó, vì sao vậy? Ta không giữ giới luật, người xuất gia chúng ta Sa Di Luật Nghi cũng không làm được, Phật giáo có đáng bị diệt không? Thật đáng. Tín đồ tại gia thì không làm được mười nghiệp thiện, vậy thì Phật pháp bị diệt thôi. Không nên hỏi người mà phải hỏi chính mình. Chúng ta chính mình không làm được, chúng ta chính mình phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả này. Chỉ cần hồi đầu thì được cứu. Chúng ta hiểu rõ, chúng ta làm sai rồi, bây giờ bắt đầu làm lại.

Vì sao mười nghiệp thiện, Sa Di luật nghi khó làm đến như vậy? Vì sao người xưa có thể làm được, hiện tại chúng ta không làm được? Chúng ta truy tìm nguyên nhân này thì chúng ta cũng tìm ra được. Nguyên nhân là do đâu vậy? Người xưa từ nhỏ đã tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức nhân quả, cho nên học Phật không khó, có nền tảng. Con người thời đại này chúng ta thật đáng thương, rất là bất hạnh, không hề được tiếp nhận qua giáo dục truyền thống. Không những chúng ta chưa được tiếp nhận, cha mẹ của chúng ta cũng không được tiếp nhận, ông bà của chúng ta cũng không được tiếp nhận, ở Trung Quốc chí ít cũng đã bỏ mất đi bốn đời.

Phật từ bi, bạn thấy trên kinh Vô Lượng Thọ giảng giải rất tường tận về tiên nhân vô tri, đó chính là ông cố tổ, ông nội, cha mẹ của chúng ta. “Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả”. Họ chưa được dạy tốt, không dạy cho chúng ta tốt, cho nên không thể trách chúng ta. Thích Ca Mâu Ni Phật nói lời nói này, chí ít đã nói 2500 về trước, nhưng đã đem tình hình hiện tại này của chúng ta nói được rất rõ ràng, rất tường tận. Chúng ta phải giác ngộ, chúng ta nghĩ đến mất trâu mới làm chuồng vẫn không muộn. Thế nhưng phải chân thật hạ quyết tâm, phải thay đổi tự làm mới, chúng ta phải nhận giáo dục bổ túc. Bổ túc vào từ đâu vậy? Chúng ta phải từ mười nghiệp thiện. Thế nhưng mười nghiệp thiện không làm được? Có nền tảng của mười nghiệp thiện, đó chính là Đệ Tử Qui của nhà Nho, Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia.

Trong Phật Tạng kinh, Thế Tôn nói với chúng ta (Phật Tạng kinh không phải Đại Tạng kinh, trong kinh Phật có một bộ kinh nhỏ gọi là Phật Tạng kinh), đệ tử Phật trước không học tiểu thừa, sau học đại thừa thì không phải đệ tử Phật. Phật không thừa nhận. Cho nên Phật dạy bảo chúng ta, vẫn là hy vọng chúng ta tuần tự tiến dần, trước học tiểu học, kế học trung học, tiếp đến học đại học.

Tiểu thừa chính là tiểu học của nhà Phật. Chúng ta chưa học qua tiểu thừa. Kinh điển của tiểu thừa truyền đến Trung Quốc có thể nói là tương đối hoàn chỉnh. Tạng Kinh Ba Li của Nam Truyền chỉ hơn Tứ A Hàm trong Đại Tạng kinh chúng ta năm mươi mấy bộ, gần ba ngàn bộ nó chỉ hơn năm mươi mấy bộ, phiên dịch của chúng ta hoàn chỉnh đến như vậy.

Vào những năm đầu đích thực Phật giáo chân thật là lấy tiểu thừa làm nền tảng. Vào thời Tuỳ Đường Trung Quốc có Câu Xá Tông, có Thành Thật Tông, hai tông này là tiểu thừa, không luận tại gia hay xuất gia học Phật đều phải bắt đầu từ đây. Thế nhưng từ sau năm Trung Diệp nhà Đường, người Trung Quốc không học tiểu thừa, kinh tiểu thừa không có người đọc, như vậy có phải là trái với lời giáo huấn của Phật không? Không hề trái.

Người xưa Trung Quốc chúng ta dùng Nho, dùng Đạo để thay thế tiểu thừa, cho nên đời đời tiếp nối nhau đều có cao tăng, đều có đại đức xuất hiện ở thế gian, thành tích rất là khả quan. Thế nhưng đến thời đại này của chúng ta, có thể nói là một thế kỷ gần đây, ngay trong một trăm năm, chúng ta lơ là học tập nhà Nho, cũng lơ là học tập Đạo gia, cho nên Phật pháp bị luống không, không có nền tảng. Phương pháp bổ cứu hiện tại, chúng ta tu học Tịnh Độ, có phải nghĩ đến thế giới Cực Lạc hay không? Mọi người đều nghĩ. Có thể đi được hay không? Không có người nào nắm chắc. Khi tôi còn trẻ, cùng với lão sư Lý ở Đài Trung. Tôi đến Đài Trung Liên Xã năm tôi 30 tuổi, Liên Hữu của Đài Trung Liên Xã có 20 người.

Tôi ở Đài Trung được mười năm. Khi rời khỏi, liên hữu liên xã Đài Trung đã tăng lên đến năm trăm ngàn người, rất là khả quan. Lão sư thường hay cảnh cáo chúng tôi, ông nói, chúng ta không nói nơi khác, chỉ nói liên hữu Đài Trung nhiều người đến như vậy, chân thật có thể vãng sanh, đại khái ngay trong một vạn người chỉ có thể có hai ba người. Việc này lão sư thường nói hai ba phần vạn, thật quá ít! Do nguyên nhân gì? Người xưa đã nói “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồn rát họng chỉ uổng công”. Đó là thật, không phải giả. Trong miệng niệm A Di Đà Phật, nhưng cái bạn nghĩ là gì? Cái bạn nói là gì? Việc bạn làm là gì? Hoàn toàn trái ngược với A Di Đà Phật.

Chúng ta mở quyển kinh ra, kinh A Di Đà mọi người đều rất quen thuộc, bạn thấy Phật vừa mới mở miệng thì gọi Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân, vậy có phần chúng ta trong đó hay không? Chúng ta có được xem là Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân không? Việc này phải biết, tiêu chuẩn Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân của Phật pháp chính là thập thiện nghiệp đạo. Thập thiện nghiệp đạo không làm được, Phật nói Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân, vậy thì trong đó không có chúng ta, chúng ta không có trong số đó. Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân niệm Phật mới có thể vãng sanh, chúng ta không thiện.

Hơn nữa, người sanh đến thế giới Cực Lạc, bạn thấy tiêu chuẩn của người ta, Thế Tôn đều nói với chúng ta thế giới Cực Lạc là những hạng người nào? Đều là các bậc thượng thiện ở một nơi, không chỉ là thiện mà là thượng thiện, cũng chính là thượng phẩm thiện nhân. Ở thế gian này chúng ta, nếu chúng ta có thể tu đến thượng phẩm mười thiện, trên kinh nói được rất rõ ràng, thì sanh thiên không ở nhân gian. Do đây chúng ta liền có thể biết, người vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ ở hạ hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư đều là thượng phẩm mười thiện. Chúng ta chính mình không thể đoạn ác tu thiện, ngày ngày niệm Phật cũng không thể vãng sanh, chỉ có thể nói cùng với A Di Đà Phật, cùng với thế giới Cực Lạc kết được chút thiện duyên. Đó là thật.

Sự việc này chúng ta phải bình lặng mà tư duy. Trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp không biết đã làm bao nhiêu lần, ngay đời này không thể đoạn ác tu thiện, ngay đời này lại làm lần nữa, đời sau lại còn phải làm, cũng chính là lúc nào thì mới có thể được vãng sanh? Đến đời nào thì chân thật có thể đạt đến thượng phẩm mười thiện thì bạn liền có thể vãng sanh. Bạn chưa đến được thượng phẩm mười thiện thì dù phát nguyện nhưng không thể vãng sanh, vì điều kiện của bạn không đủ. Việc này phải nên biết.

Thượng phẩm mười thiện phải tu bằng cách nào? Bạn có thể chiếu theo khai thị của lão pháp sư Ấn Quang mà làm thì được. Khai thị của Ngài rất đơn giản, rất rõ ràng, rất tường tận, chân thật muốn chúng ta làm được “không thấy lỗi người khác, chỉ thấy lỗi chính mình”. Chính mình chăm chỉ ngày ngày phản tỉnh sám hối, phát nguyện cầu sanh, ngay trong hai đến sáu thời trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, ngoài câu Phật hiệu ra không có một ý niệm nào khác.

Con người kia tốt, A Di Đà Phật, con người kia xấu, A Di Đà Phật, không liên quan với ta, ta phải phê bình người khác làm gì? Ngạn ngữ cổ xưa của Trung Quốc chúng ta nói, người đến nói chuyện thị phi thì là người thị phi. Nếu họ không phải là người thị phi thì họ sẽ không nói chuyện thị phi. Trong lòng của họ không có ác niệm thì họ sẽ không có lời nói ác để phê bình người khác. Do đây có thể biết, người phê bình người chính là lỗi lầm. Phật không phê bình người, Bồ Tát không phê bình người, đó là thật, chúng ta phải nên hiểu. Người có lỗi lầm hay không vậy? Không có! Thật không có lỗi lầm. Tất cả lỗi lầm đều phát sanh ra ở chính ngay ta, không có liên quan gì với người khác.

Bạn có thể đọc hiểu được kinh Hoa Nghiêm, không cần nói hoàn toàn thông hiểu, hiện tại chúng ta giảng đến phẩm thứ 14, các vị đều biết Hoa Nghiêm tổng cộng có 39 phẩm, có phẩm kinh văn rất dài, dài nhất là Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm 40 quyển, chúng ta đã giảng hơn bốn ngàn giờ rồi nhưng mới giảng đến phẩm 14. Mười bốn phẩm này đều không xem là quá dài, toàn kinh nếu giống như cách giảng này, tôi dự tính chí ít còn phải giảng đến mười ngàn giờ nữa, có thể mười ngàn giờ nữa cũng giảng chưa xong. Nếu có thể nghe được bốn ngàn giờ kinh này, tâm liền được định.

Vì sao phải nghe kinh? Không nghe kinh thì là nghĩ tưởng xằn bậy, không nghe kinh thì tâm không thể định, nghe kinh là phương pháp tu định. Nếu như mỗi ngày bạn có thể nghe được tám giờ đồng hồ, thì bạn tu được tám giờ định. Định huệ đều học. Khi nghe kinh không khởi vọng niệm là tu định. Nghe được rất tường tận, nghe được rất thông suốt, đó là tu huệ. Định huệ đều học, giới tự nhiên ở ngay trong đó, vì sao vậy? Bạn sẽ không khởi ác niệm, bạn không thể có ác niệm ác hạnh đối với người khác, cho nên phương pháp này là giới-định-huệ tam học một lần đầy đủ.

Bạn mỗi ngày có thể nghe kinh được tám giờ, sáng sớm niệm Phật được hai giờ, buổi tối niệm Phật được hai giờ, một ngày 12 giờ suốt cả năm không hề gián đoạn, theo tôi nghĩ hai ba năm thì bạn được Niệm Phật Tam Muội. Niệm Phật Tam Muội là gì? Công phu thành khối, điều kiện vãng sanh liền đầy đủ. Nếu như cách tu không phải như vậy thì không thể nắm phần vãng sanh. Trên thế giới này loạn thì mặc cho nó loạn, Phật cũng còn không có cách gì, chúng ta có năng lực gì để giúp chứ? Cho nên ở trong những năm này, cứu chính mình là quan trọng.

Lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam ngày đầu vãng sanh, lúc đó tôi giảng kinh ở Cảnh Mỹ, hơn 5 giờ sáng thì thầy vãng sanh. Đồng tu Đài Trung gọi điện cho tôi nói lão sư vãng sanh, buổi chiều hôm trước một ngày thầy vãng sanh, thầy nói với mấy đồng tu ở bên cạnh mấy câu, di giáo sau cùng là “thế giới này loạn, Phật Bồ Tát thần tiên hạ phàm cũng không cứu được, chúng ta chỉ có một đường sanh lộ, chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Di ngôn sau cùng của lão sư Ngài, chúng ta phải ghi nhớ, chúng ta phải tin tưởng, y giáo phụng hành.

Thế giới này dù có loạn thế nào, ta cũng không loạn. Tai nạn không thể tránh được, tai nạn đến rồi, người niệm Phật chúng ta ở ngay trong tai nạn vãng sanh là việc tốt, không phải việc xấu. Người chết ngay trong tai nạn, có người đi đến thế giới Cực Lạc, có người đi đến cõi trời, có người đổi cái thân này lại trở lại, họ lại đầu thai, lại trở lại, có một số người đến ba đường ác. Cũng đồng là chết ngay trong tai nạn, nhưng chỗ đi không như nhau, cho nên không lo lắng, không khiếp sợ, tâm luôn là an định không nên bị cảnh giới xoay chuyển. Nơi chúng ta đi thì tốt rồi, nếu như tai nạn đến rồi, kinh hoàng, lo lắng, khiếp sợ, vậy thì khẳng định đến ba đường ác.

Chính họ không làm chủ được nên đã bị cảnh giới chuyển. Cho nên hiện tại chúng ta ở thế gian này, sống một ngày tính một ngày, không nên nghĩ còn có năm tới. Tôi ngay đến ngày mai cũng không nghĩ. Như vậy chúng ta mới tự tại! Nghĩ đến ngày mai làm gì? Ngay mai vẫn chưa đến, hôm nay có được thời gian của một ngày, cố gắng niệm một ngày Phật, tụng một ngày kinh, bạn nói xem, thật nhiều tự tại. Đó chính là người đại phước đức, đó chính là người đại tự tại.

Không nên nhiều chuyện, hễ người nhiều chuyện thì họ sẽ tự tìm lấy phiền não. Vạn duyên buông bỏ, người khác tranh danh đoạt lợi, chúng ta danh vọng lợi dưỡng thảy đều buông bỏ. Đó là gì vậy? Đó đều là làm chuyện sáu cõi ba đường, đó là việc của họ, chúng ta buông bỏ rồi, không làm việc đó nữa, chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để làm Bồ Tát, để làm Phật. Phải có nhận biết như vậy thì tốt, vạn nhất không nên để lỡ cơ duyên tốt lớn như vậy.

Có tai nạn này là cơ duyên tốt lớn, vì sao vậy? Ép chúng ta không dụng công không được. Nếu không dụng công thì đi vào ba đường. Bạn từ góc độ này mà nhìn là một việc tốt, không phải việc xấu. Không có tai nạn thì người giải đãi, không cần lo, còn có năm tới, còn có năm tới nữa, vĩnh viễn giải đãi lười biếng, công phu không đắc lực. Hiện tại tai nạn ép bức bạn, không làm không được, phải liều mạng mà làm, vậy mới có thành tựu. Trên kinh, Phật có hai câu nói “nhật nhật thị hảo nhật, thời thời thị hảo thời”. Hai câu này đúng, một chút cũng không sai.

Tôi những năm qua giảng kinh đã có thêm được hai câu, “nhân nhân thị hảo nhân, sự sự thị hảo sư”. Thiên tai nhân hoạ đều là việc tốt, không có việc nào không là việc tốt, người thiện người ác đều là người tốt, nhất là người ác. Người ác là gì? Thành tựu ta nhẫn nhục Ba La Mật, xem ta có thể nhẫn hay không. Có thể nhẫn thì đạo nghiệp nâng lên cao, không thể nhẫn thì đọa lạc. Có thể nhẫn thì chúng ta từ phàm phu thăng cấp đến Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát có thể nhẫn, không thể nhẫn thì thế nào? Thì kết oán thù với đối phương.

Oán thù này vừa kết thì đời đời kiếp kiếp không thể ngừng dứt, bạn nói xem, đó không phải tự tìm phiền não hay sao? Cho nên người xấu đó rốt cuộc là tốt hay không tốt? Chúng ta có thể nhẫn thì họ là người tốt, họ thành tựu nhẫn nhục Ba La Mật cho ta, họ giúp ta nâng lên cao. Nếu ta không thể nhẫn thì họ là người xấu, họ là oan gia trái chủ của ta, đời sau ta báo thù họ. Cho nên bên ngoài không có người tốt người xấu, người tốt người xấu ở chính nội tâm chính mình. Tâm của ta tốt thì họ đều là người tốt, tâm của ta không tốt thì toàn là người xấu. Đó là đại sư Ngẫu Ích nói, cảnh duyên không tốt xấu. Cảnh chính là người bên ngoài, duyên là hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh vật chất cùng hoàn cảnh nhân sự không có tốt xấu, là bình đẳng. Tốt xấu là do đâu vậy? Tốt xấu do tâm của chính mình. Tâm của chính mình tốt thì không có thứ gì không tốt, tâm của chính mình không tốt thì không có thứ gì tốt cả.

Thế giới Cực Lạc sở dĩ đẹp đến như vậy cũng không gì khác hơn là vì tâm của mỗi một người ở nơi đó đều tốt, cho nên cảm được y chánh trang nghiêm không gì bằng. Ngày nay thế giới này chúng ta biến thành ra thế này, các vị thử nghĩ thì liền biết được nguyên nhân. Người ở trên địa cầu này, lòng người khác thường. Cái gì gọi là thường? Trung Quốc chúng ta gọi là Ngũ thường. Ngũ thường là căn bản để làm người, cũng chính là luân hồi ở trong sáu đường có được năm điều kiện để được thân người, trong năm điều kiện nếu thiếu một thì bạn không có được thân người.

Vậy bạn xem thử, vô số chúng sanh hiện tại và đời sau, có mấy người có thể được thân người? Đừng nhìn người khác, trước nhìn chính mình, chính ta đời sau có thể được lại thân người hay không? Trong năm chữ này bạn có chuẩn bị đủ không? Ngũ thường là gì? Các vị đều biết phải không? Là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, là cùng một ý nghĩa với ngũ giới.

Nhân là không sát sanh. Nghĩa là không trộm cắp. Lễ không tà dâm. Trí không mê hoặc, là không uống rượu. Uống rượu là mê hoặc, say rượu rồi thì mê hoặc. Tín là không vọng ngữ. Cho nên người học Phật có thể giữ năm giới thì đầy đủ ngũ thường. Người không học Phật, vào thời trước có nhận qua giáo dục truyền thống Trung Quốc, phải đầy đủ nhân lễ nghĩa trí tín. “Người nhân thương người”, trong Đệ Tử Qui nói, phàm là người đều yêu thương.

Người nghĩa hiểu lý, cái gì gọi là nghĩa? Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đề đúng lý đúng pháp, hợp tình, hợp lý, hợp pháp gọi là nghĩa. Lễ là chính mình khiêm tốn tôn trọng người khác, đó là một tinh thần rất quan trọng trong lễ. Tự ty mà tôn người, không cuồng vọng tự đại. Người học Phật hiện tại chúng ta kỳ lạ, bạn xem, hiện tại có không ít người xem thấy muỗi kiến thì gọi Bồ Tát kiến, Bồ Tát muỗi, nhưng xem thấy người thì họ không tôn kính. Khi họ tôn kính những động vật nhỏ này thì tôn kính hơn so với tôn kính người, người thì xem thường. Sự việc này thì phiền phức to, lẽ nào ngay đến trùng kiến, người cũng không bằng hay sao? Cho nên phải sanh tâm bình đẳng, không nên có thiên lệch, phải có cái nhìn như nhau.

Phật ở trên kinh Kim Cang nói với chúng ta, các pháp là bình đẳng, không có cao thấp. Phật nói, pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Bao gồm tất cả chúng sanh đều là bình đẳng. Trên kinh Hoa Nghiêm nói càng rõ ràng hơn, tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật. Người tốt là Phật, người xấu cũng là Phật, họ có Phật tánh. Kiến muỗi cũng có Phật tánh, cho nên tôn trọng nó là đúng, một chút cũng không sai. Đối với người càng phải tôn kính. Đó là nói lễ.

Phật pháp cầu trí tuệ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều lấy lý trí làm chủ tể, không được xung động tình cảm. Cảm tình là mê, cảm tình khởi tác dụng thì trí tuệ sẽ không có. Cho nên trong Tứ Y Pháp của Phật nói với chúng ta là y trí bất y thức. Thức chính là tình thức, là cá nhân chính bạn yêu thích, vậy thì sai. Giữa người và người qua lại, nhất định phải trọng chữ tín. Trong giáo học truyền thống của Trung Quốc rất là xem trọng chữ tín, con người trong xã hội nếu như không có chữ tín thì không thể đứng được trong xã hội, cho nên người không thể không có chữ tín.

Đó là năm điều kiện cơ bản để làm người. Nếu như từ trong điều kiện này mà nâng cao, thì đó chính là đạo đức. Đạo là gì? Đạo là quan hệ của ngũ luân, đó là tự nhiên, không phải do ai sáng tạo, không phải do ai phát minh, không phải do người định ước. Cha con là đạo, vợ chồng là đạo, anh em là đạo, vua tôi là đạo. Vua tôi hiện tại chính là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Ở trong công ty, ông chủ là vua, công nhân là quan, đó là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Bạn bè là đạo. Năm loại quan hệ này là đạo, là tự nhiên. Xử lý những quan hệ tự nhiên này tuỳ thuận tánh đức, đó là đức. Phải tuỳ thuận tự tánh, không thể trái với tự tánh.

Lão tổ tông chúng ta từ bi, đem cương mục của tuỳ thuận tự tánh dạy cho chúng ta, tức là bát đức. Thành phố Đài Bắc có đường Bát Đức. Bát đức là hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Vào thời xưa bát đức là nói như vậy, cận đại thì sao? Cận đại thì đổi cũng không tệ, là trung hiếu nhân ái, tín nghĩa hòa bình. Hai loại này đều tốt. Chúng ta đem hai loại này dung hợp lại với nhau, trừ bỏ trùng lập thì còn mười hai chữ là “hiếu để trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, nhân ái hòa bình”. Đó là người Trung Quốc, khởi tâm động niệm lời nói việc làm của chúng ta đều không trái với 12 chữ này.

Bạn là người có đạo đức, vậy thì như người được nâng lên cao, nếu bạn không vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, khẳng định bạn sẽ sanh thiên. Nếu như ý niệm năm dục sáu trần chưa đoạn, bạn sanh dục giới thiên, dục giới tầng trời thứ sáu. Nếu ý niệm năm dục sáu trần này không còn, bạn sanh Sắc giới thiên, sanh Vô Sắc giới thiên. Nó có đạo lý trong đó, không phải có người nào bảo hộ, hay người nào đề bạt bạn, đưa bạn đến thiên đường, không hề có việc này.

Trên trời không có nhân tình, không cần bất cứ nương tựa nào. Bạn chính mình điều kiện đức hạnh đầy đủ thì tự nhiên đi đến nơi đó. Đạo lý này, ở vào thời xưa lão tổ tông của chúng ta đều biết. Bạn thấy trong Dị Kinh Phồn Từ Truyện nói quan hệ của luân hồi, nói “vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân”, chỗ này đã nói rất rõ ràng. Quần là gì vậy? Từng nhóm từng nhóm, chính là chí đồng đạo hợp, thì tự nhiên họ sẽ đến nơi đó. Bạn thấy nơi đây chúng ta, người đến nơi đây đều là học Phật, người bên ngoài không học Phật, mời họ vào, họ cũng không bước vào. Vũ trường ở bên kia, người thích khêu vũ thì thảy đều đi qua bên đó, những người ở đây chúng ta thì tuyệt đối sẽ không đi qua bên đó.

Đây chính là từng nhóm từng nhóm chí đồng đạo hợp thì họ hợp lại với nhau. Bạn tu năm giới mười thiện thì tự nhiên sẽ đi đến cõi trời, bạn vừa thấy trên đó liền hoan hỉ, họ nhìn thấy bạn cũng hoan hỉ. Cho nên sáu cõi luân hồi không phải Diêm Vương làm chủ tể, cũng không phải là việc của Phật Bồ Tát, đều là chính bạn cảm ứng tương thông. Khi bạn lâm chung sẽ nhìn thấy cảnh giới này, đây chính là tương phản giống hệt với cảnh giới tâm hạnh của chính bạn, thì bạn liền đi đến nơi đó, cho nên đó là tuỳ thuận tánh đức, chúng ta không thể không biết.

Phải nỗ lực học Phật. Học Phật là hưởng thụ cao nhất của nhân sanh, đó là tiên sinh Đông Phương Mỹ đã nói với tôi từ rất sớm. Đây là thật, không phải là giả. Tôi 26 tuổi nghe được Phật pháp, đến năm nay là 57 năm, ngày ngày làm, pháp hỷ sung mãn. Rất nhiều các bạn đồng tu bên đây đều biết, tôi cũng gặp phải rất nhiều trắc trở, ba lần trắc trở lớn nhất, trắc trở nhỏ thì quá nhiều, thế nhưng mỗi lần trắc trở thì lại nâng tôi lên, đều hướng lên trên cao, cho nên tôi rất cảm ân, tôi không oán hận, tôi nhất định không có báo oán, tôi đối với họ chỉ có tán thán, chỉ có cảm ân, họ giúp cho tôi nâng cao, cho nên hy mọi người phải chăm chỉ nỗ lực.

Nghe kinh là một phương pháp đoạn phiền não rất tốt, chính là hoàn thành giới-định-huệ một lần. Tu học đúng lý đúng pháp thì cả đời này của chúng ta sẽ không luống qua. Muốn cứu vãn thế giới này, ngoài phổ cập giáo dục căn bản của Nho, Thích, Đạo ra, không có phương pháp thứ hai. Đó chính là phải phổ cập giáo dục Đệ Tử Qui, giáo dục Cảm Ứng Thiên, giáo dục của Thập Thiện Nghiệp. Ba loại giáo dục này có thể phổ biến rộng khắp thì xã hội này an định, thế giới sẽ hòa bình.

Trong những năm gần đây, chúng ta cũng có làm những công việc này, làm cũng có được chút thành tích. Lần này trở lại Đài Loan, Đài Loan có không ít đồng tu hưởng ứng hoan hỉ, muốn làm ở Đài Loan, đó là một việc tốt. Nơi nào làm thì nơi đó được Tam Bảo gia trì hộ niệm, long thiên ủng hộ, nơi đây tai nạn sẽ ít. Đó là tự cứu cứu người, tự độ độ người.

Thời gian qua rất nhanh, chỉ còn ba phút thì thời gian đến rồi. Tôi nghĩ lời tôi chỉ nói đến đây thôi, buổi tối các vị có duyên thì tối hôm nay giảng kinh, từ bốn giờ đến sáu giờ. Cám ơn mọi người! A Di Đà Phật!

Cách biệt mười năm lại tương phùng

Ý sâu tâm thiết lời buông bỏ

Chớ quản việc đời khuyên niệm Phật

Tự cứu cứu người cứu thế gian.

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền