Làm người là phước báu!
Phật giáo nhận định rằng, chúng ta được sở hữu hình hài của con người là vô cùng đáng quý, là phước báu vô lượng. Do đó chúng ta phải biết quý trọng và nâng niu bản thân chúng ta và những giá trị đặc thù của bản thân không nên chạy theo những ảo tưởng, mộng tưởng để rồi khiến thân tàn, ma dại, tiền mất, tật mang, đó chính là tiền đề của TU HÀNH.
Thân người khó được
Phật giáo nhận định rằng, tất cả chúng sanh đều có khuynh hướng tự nhiên là làm việc ác, những chúng sanh làm việc thiện chiếm số lượng rất ít ỏi. Ngay trong số chúng sanh làm việc thiện ít ỏi này, thì những chúng sanh có khả năng thực hiện hành vi đạo đức để có thể được đầu thai làm người lại càng hiếm hơn nữa. Hơn nữa, trong những chúng sanh được làm con người liệu có bao nhiêu chúng sanh biết đến Phật pháp chứ đừng nói đến việc chứng và ngộ, tu hành theo Phật pháp. Lại càng buồn hơn là trong những người tu hành, tu học Phật pháp thì liệu có bao nhiêu người tu học một cách chính xác không lạc đường rơi vào ma đạo? Mà khi chúng ta rơi vào ma đạo thì liệu chúng ta có còn là chính chúng ta không?
Thân người dễ mất
Xung quanh cuộc sông của chúng ta luôn rình rập vô số thiên tai nhân họa có thể thình lình cướp đi mạng sống quý báu của chúng ta, hay chí ít cũng làm cho chúng ta ngẩn ngơ, ảo vọng rồi quên luôn chúng ta là ai. Không ai biết được mình sẽ chết khi nào, tránh được thiên tai nhân họa để sinh tồn, để làm một con người ung dung, tự tại không bị nề lối, thần quyền trói buộc là một việc rất khó. Mạng sống của con người, thân xác, cảm xúc của con người mong manh như bọt nước và rất dễ thương tổn. Để được đầu thai trở lại làm con người là một điều cực khó. Thế nhưng sa đọa xuống ba cõi ác lại là điều dễ như trở bàn tay.
Sứ mạng vĩ đại của con người
Chỉ khi được làm con người, chúng ta mới có được khả năng thành tựu Phật quả, và đó cũng chính là sư mang vĩ đại của loài người. Trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta ưa thích một hành vi nào đó sẽ được gọi là người mang nghiệp. Chúng ta vẫn thường nói rằng gieo một ý nghĩ gặt một lời nói, gieo một lời nói gặt một hành động, gieo một hành động gặt một thói quen và gieo một thói quen gặt một tính cách. Rồi sao nữa đây? Gieo một tính cách gặt một số phận.
Kiếp này “ những người mang nghiệp” đã từng biết đến và tu hành theo Phật pháp chắc hẳn từ vô lượng kiếp hoặc từ kiếp trước họ đã từng biết, từng nảy sinh niềm tin với Phật pháp, do vậy kiếp này thiện nghiệp của họ được thức tỉnh và tấn tu.Ngược lại, những người làm việc ác và việc đại ác như giết cha, giết mẹ, tà dâm, lừa phỉnh người khác, gieo mầm tà đạo….. sẽ phải luân hồi xuống ba cõi ác, không được phép làm người.
Mười loại chúng sinh khó được đầu thai làm người:
1. Người không bồi dưỡng nhân thiện
2. Người không tích lũy đủ công đức nhưng lại luôn tỏ ra là ta đây công đức vô lượng
3. Người dễ sa ngã, suy đồi làm băng hoại đạo đức
4. Người thường xuyên phiền não
5. Người không sợ kiếp sau chịu khổ
6. Người dễ bị phiền não trói buộc
7. Người không chịu tu hành, không quan tâm đến Phật pháp hoặc mượn Phật pháp để huyễn hoặc người khác
8. Người tiếp nhận Phật pháp nhưng không phục tùng giới luật Phật pháp
9. Người chấp trước tà kiến
10. Người tin tưởng tuyệt đối vào tà kiến, tin tưởng tuyệt đối vào tà đạo.
Với mười ác nghiệp trên, tôi mong các bạn cố gắng tránh né dù rất khó. Bản thân tôi vẫn tâm đắc với vài câu thơ sau đây:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ
Thứ ba tu chùa
Hoặc
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là tu thân.
Kính bút!
|