CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH, ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG

Học Phật trước tiên phải hiểu thật chính xác Phật là gì? Giáo là gì? Phật giáo là gì?

Phật Đà là dịch âm Phạn văn của tiếng Ấn Độ cổ, nó có nghĩa là trí tuệ, là giác ngộ. Giáo là giáo dục, dạy học. Nếu như hiểu rõ được ý nghĩa của nó thì chúng ta rất dễ dàng hiểu được Phật giáo chính là giáo dục giác ngộ trí tuệ. Phật giáo chính là dạy người ta mở trí tuệ, giác nhi bất mê, chánh nhi bất tà, tịnh nhi bất nhiễm. Dùng cách nói hiện đại mà nói, Phật giáo đích thực là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà giáo dục, là người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội. Chúng ta có thể nhận biết rõ ràng, chính xác về thân phận của Ngài, sự nghiệp cả đời của Ngài, thì chúng ta mới biết làm thế nào học tập theo Ngài?

 

 

Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn ở thế gian đã thị hiện cho chúng ta thấy, Ngài đã từ bỏ vương vị, từ bỏ vinh hoa phú quí mà người thế gian hằng ngưỡng mộ, hằng theo đuổi. Ngài xuất gia tu đạo, hơn nữa đi làm một vị tăng khổ hạnh. Sau khi ngộ đạo, Ngài liền làm việc dạy học giảng kinh. Trong kinh điển có ghi chép, cả đời của Ngài giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm.  Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ, Ngài ngộ là ngộ cái gì? Dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói, Ngài đã giác ngộ rõ ràng toàn bộ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, như trong kinh Đại Thừa đã nói là “chư pháp thực tướng”. Câu này, nếu dùng cách nói hiện nay mà nói, chính là hiểu triệt để, hiểu rốt ráo chân tướng vũ trụ nhân sinh.

Chúng ta muốn hỏi cái mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ là có thật không, có đáng tin không? Chúng ta thử xem Ngài đã dùng phương pháp gì mà giác ngộ vậy? Ngài dạy cho chúng ta biết, phương pháp Ngài dùng là dùng giới, dùng định: “nhân giới đắc định, nhân định khai tuệ”, sau khi trí tuệ đã mở rồi thì mới thông đạt, biết rõ. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta thường nói: “hoát nhiên quán thông”, biết rõ tất cả chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội hàm bên trong vũ trụ nhân sinh, người bình thường chúng ta không thể tưởng tượng được. Phật nói cho chúng ta biết, vũ trụ từ đâu mà có vậy? Người Trung Quốc chúng ta nói vũ trụ, người ngày nay nói là bầu trời, thời gian, không gian, gộp chung lại gọi nó là vũ trụ. Ở trong vũ trụ này, hiện nay chúng ta cũng biết có vô lượng vô biên các hệ sao và tinh cầu. Trong kinh Phật nói cõi nước chính là nói những hệ sao và tinh cầu này. Tất cả mọi chúng sanh trong những hệ sao và tinh cầu này từ đâu mà có vậy? Sinh ra như thế nào? Quá trình diễn biến đến nay và tình hình trong tương lai sẽ như thế nào? Người giác ngộ đều có thể hiểu triệt để về những sự lý nhân quả này và nói rõ ràng tỉ mỉ cho chúng ta biết.

Thế Tôn cả một đời bốn mươi chín năm làm công tác dạy học. Mỗi ngày Ngài giảng kinh thuyết pháp hai thời cho mọi người. Chúng ta đọc được trong kinh điển, hai thời là hai thời của Ấn Độ xưa. Ấn Độ xưa lấy một ngày đêm chia thành sáu thời, ban ngày là ba thời, ban đêm là ba thời, cho nên tổng cộng là sáu thời. Đơn vị thời gian chúng ta dùng hiện nay là của phương tây, gọi là giờ. Họ chia một ngày một đêm thành hai mươi bốn giờ, cho nên chúng ta gọi nó là giờ. Chúng ta biết một thời của Ấn Độ là bốn giờ hiện nay. Mỗi ngày Thế Tôn giảng kinh hai thời là bằng tám giờ hiện nay. Điều này sau khi chúng ta nghe đến thì vô cùng kinh ngạc, mỗi ngày làm việc tám giờ, bốn chín năm không nghỉ ngơi. Đi tìm bất kỳ chủng tộc quốc gia nào trên khắp thế giới cũng không thể nào tìm được một người nào làm việc tích cực, yêu nghề giống như Phật Thích Ca Mâu Ni.

Nội dung mà cả một đời Thế Tôn dạy chúng ta chính là nhân sinh, nói rõ chân tướng của nhân sinh cho chúng ta biết. Thứ hai là nói rõ cho chúng ta biết chân tướng của môi trường sống của chúng ta. Môi trường từ chuyện mặc áo ăn cơm trong đời sống thường ngày của chúng ta, đến toàn bộ vũ trụ môi trường lớn này đều nói đến cả. Thứ ba là nói rõ cho chúng ta biết chân tướng của trời đất quỷ thần. Trời đất quỷ thần chính là những tầng không gian khác mà các nhà khoa học hiện đại đã nói. Ở trong kinh giáo đều nói rất rõ ràng, rất tỉ mỉ, chúng ta không học nên không biết. Sau khi học rồi, nghe thêm những điều mà các nhà khoa học hiện đại nói, có một phần được nhà khoa học phát hiện, chúng ta vô cùng thích thú. Khoa học đã chứng minh những điều mà Thế Tôn đã nói, chư Phật Bồ Tát đều khẳng định: vũ trụ, cõi nước, chúng sanh là do “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Trong kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, kinh Đại Bát Nhã tổng kết là: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”.

Giác ngộ triệt để gọi đó là Phật Đà, gọi là Bồ Tát, gọi là thánh nhân. Người mê không giác thì gọi là phàm phu. Phàm phu và Phật không khác, chỉ khác nhau là giác hay mê mà thôi. Cho nên phàm phu giác ngộ rồi liền thành Phật, liền thành Bồ Tát.

Người giác ngộ thật sự thì nhất định sẽ phát sinh tâm đại từ bi, cũng chính là tâm thương yêu vô điều kiện. Tại sao phát sinh như vậy? Vì lòng từ bi, thương yêu lớn này là cái vốn có đầy đủ trong bản tánh của chúng ta. Giác ngộ rồi tức là minh tâm kiến tánh, cho nên trí tuệ, đức năng trong bản tánh sẽ tự nhiên hiện tiền. Do đó các Ngài đã giác ngộ sẽ giúp người chưa giác ngộ, giúp đỡ những chúng sanh chưa giác ngộ, hy vọng họ sớm giác ngộ, sớm được giống như các Ngài, hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

Chân tướng của thế gian quả thật rất khó hiểu, rất khó lý giải. Thí như Phật Bồ Tát dạy chúng ta: cái vui khổ của thế gian là giả, không phải thật. Thế xuất thế gian chỉ có giác hoặc mê, người giác ngộ họ có thể biến khổ thành vui, người không giác ngộ thì biến vui thành khổ. Thí dụ làm vua, làm những quan đại thần, trưởng giả giàu có, nếu họ không giác ngộ thì cả đời họ sống rất khổ; nếu họ thật sự giác ngộ rồi, bạn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni mỗi ngày đi khất thực, ba y một bát, đời sống như vậy chúng ta thấy dường như rất nghèo nhưng Ngài vô cùng vui vẻ, quả thật thế gian này của chúng ta không có người nào có thể sánh bằng. Ngài là người hạnh phúc nhất thế gian.Ngài dạy chúng ta, khổ vui là giả không phải thật, tuỳ theo sự giác hay mê của bạn mà có sự thay đổi. Bạn giác rồi thì vui thật, đã mê thì khổ thật. Cho nên chư Phật Bồ Tát luôn rất hoan hỷ đem chư pháp thực tướng mà các Ngài giác ngộ được, từng giờ từng phút cung cấp cho tất cả chúng ta cùng hưởng. Ngài dạy người, đối với người ở trình độ như chúng ta đây, người căn tánh như vậy, trước tiên các Ngài dạy chúng ta luân thường. Ngũ luân chính là thiên đạo, ngũ thường đây là đại đức. Cái gọi là đạo, đó là phép tắc rất tự nhiên trong vũ trụ, không phải do người tạo nên. Phép tắc tự nhiên đây chính là đạo. Con người có thể tuỳ thuận theo phép tắc tự nhiên mà sống, mà tư duy, mà làm việc, đây chính là đại đức. Cho nên người Trung Quốc nói là đạo đức, Phật pháp cũng nói là đạo đức, ý nghĩa của hai chữ đạo đức nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng, cho thật minh bạch. Nhà Phật thường nói chân như tự tánh, nó có thể, có tướng, có tác dụng. Thể, tướng, tác dụng đều là rất tự nhiên. Thuật ngữ trong kinh Phật nói: “pháp nhĩ như thị”, đây chính là đạo. Ngày nay các nhà khoa học không nói thể tướng dụng của tự tánh, mà họ nói năng lượng, nói chất lượng. Quả thực mà nói, năng lượng và chất lượng là đã rất gần với thể tướng dụng của tự tánh mà trong Phật pháp đã nói, đây là nói về đạo. Tùy thuận tự tánh khởi dụng, đây chính là đức. Cho nên trong đời sống thường ngày, đặc biệt là trong quá trình học tập, trong tâm có đắc, trong tâm chúng ta giác ngộ rồi, khai ngộ rồi, sau khi ngộ rồi thì nhất định rất vui sướng. Khổng Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất duyệt lạc hồ”, vui sướng thật sự, đây là đạo. Ở thân có đắc, có thể giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh, đây là đức. Từ cách nói này cũng dễ hiểu, một cái là trong tâm có đắc, một cái là ở thân có đắc. Học Phật tức là học giác ngộ, là học trí tuệ. Chỉ có giác ngộ, trí tuệ mới có thể giải quyết tất cả vấn đề, mới có thể thật sự giúp chúng ta lìa khổ được vui, đây là điều mà các bạn cùng học Phật chúng ta không thể không biết.

Học Phật phải bắt đầu từ đâu vậy?

Phật vô cùng từ bi, dạy chúng ta bắt đầu học từ tam phước. Trong tam phước, phước thứ nhất chính là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Đây là phước báo đầu tiên cần phải tu. Phước báo nhân thiên, phước báo phải tu từ chỗ này. Chúng ta thử xem hiện nay trên thế gian này có rất nhiều người giàu có, đại phú đại quí, là phước họ tu từ đời trước nên đời này đã cảm được quả báo. Nếu như đời nay hưởng phước mà không tu phước, phước báo họ hưởng hết rồi thì không còn nữa. Cho nên nhất định nếu hưởng phước thì vẫn phải tiếp tục không ngừng tu phước báo. Phước thứ hai là thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi. Đây là nhị thừa, phước báo của Thanh Văn, Duyên Giác. Phước thứ ba là nói phước báo của Đại Thừa Bồ Tát. Sở dĩ dạy cho chúng ta phải bắt đầu học từ chỗ này và từ từ nâng cao tánh linh của mình lên. Phật dạy chúng ta chung sống với đại chúng phải biết Lục Hòa, dạy chúng ta tu Lục Độ, Tam Phước, Lục Hòa. Trong Lục Độ thì có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn (đây làthuộc về giới), Thiền định (đây là định), Bát Nhã (đây là trí tuệ). Bạn thấy đấy,vẫn không rời bỏ tam học giới - định - tuệ. Tất cả những điều đã dạy chúng ta đều có thể quy nạp thành giới định tuệ, ba cương lĩnh lớn này.

Vậy thì làm thế nào áp dụng những điều đã hiểu, đã tu học của mình vào trong cuộc sống? Học xong có chỗ dùng, nếu như nói học rồi mà không dùng thì Phật không tán thành, Phật không vui. Phật luôn mong chúng ta sau khi học rồi thì thật sự được thọ dụng, được thọ dụng vào trong đời sống thường ngày, được thọ dụng trong công việc, đều có thể dùng được một cách rất linh hoạt trong việc ứng xử với mọi người. Thế dùng phương pháp gì vậy? Phật dùng Tứ Nhiếp Pháp. Cho nên Tứ Nhiếp Pháp có thể dùng trong gia đình, dùng trong vợ chồng, dùng trong anh chị em, dùng trong cha con, ở xã hội có thể dùng trong công ty xí nghiệp, có thể dùng trong xã hội, dùng trong quốc gia, thậm chí dùng trong giao tiếp trên toàn thế giới.

Phật Bồ Tát dạy chúng ta làm thế nào học tứ nhiếp pháp ?

Trong tứ nhiếp pháp, điều thứ nhất là bố thí. Phạm vi của việc bố thí này vô cùng rộng lớn. Phật dạy chúng ta đối xử với người phải như thế nào, còn người đối xử với ta ra sao thì tuỳ họ. Vì sao vậy?  Phật là người giác ngộ, chúng sanh là bất giác. Người giác ngộ phải ứng xử thế nào đối với người chưa giác ngộ, đây là hiện tượng bình thường. Cho nên điều thứ nhất phải bao dung, dung chứa tất cả. Bạn thấy trong nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, đây là thuộc về bố thí. Chúng ta có thể bao dung tất cả, không cầu người khác bao dung ta, ta phải bao dung người, tại sao vậy? Bạn giác ngộ rồi. Muốn người khác bao dung mình đó là chưa giác ngộ. Cái đó rất khó làm được. Cho nên nhất định phải hiểu, Tứ Nhiếp Pháp là dạy cho Bồ Tát, là dạy cho đệ tử thật sự giác ngộ. Bao dung người khác, tôn trọng người khác, kính yêu người khác, quan tâm người khác, chăm nom người khác, giúp đỡ người khác, những điều này đều thuộc về bố thí. Ở trong bố thí thì có bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô uý.

Điều thứ hai là ái ngữ. Ái ngữ là lời nói thật sự yêu thương tất cả chúng sanh.

Điều thứ ba là lợi hành. Lợi hành là tất cả sự nghiệp mình làm dứt khoát phải thật sự có lợi ích đối với tất cả chúng sanh. Điều này dạy chúng ta cần phải chăm chỉ nỗ lực làm.

Điều sau cùng của tứ nhiếp pháp là đồng sự. Ý nghĩa của điều này sâu vô cùng. Chúng ta đồng sự với người nào đây? Không nên đồng sự với người bất giác, như thế rất phiền phức. Chúng ta nên đồng sự với chư Phật Như Lai, nên đồng sự với Bồ Tát, nên đồng sự với đại Phạm Thiên, nên đồng sự với Thượng Đế, nên đồng sự với đức Ala. Bạn thấy những điều các Ngài muốn, các Ngài nghĩ, các Ngài nói đến và làm đến là gì vậy? Chúng ta thường nên học tập các Ngài, thường nên tương đồng với các Ngài, như vậy vô tình chính chúng ta cũng dần dần siêu phàm nhập thánh trong đời sống thường ngày rồi.

Năm 1999, tôi đến Singapore. Chúng tôi đến thăm chín tôn giáo ở Singapore. Chúng tôi hy vọng chín tôn giáo có thể chung sống với nhau giống như anh em, hóa giải sự hiểu lầm, xung đột giữa các tôn giáo, thúc đẩy xã hội an định, hoà bình. Những năm này ở Singapore chúng tôi làm rất thành công. Cho nên có người hỏi tôi: “Pháp sư, Ngài dùng phương pháp gì vậy?” Là tôi dùng tam phước, lục hoà, lục độ áp dụng vào trong tứ nhiếp pháp. Dùng tứ nhiếp pháp, phương pháp này là có thể đoàn kết thành một thể, đích thực có thể tự lợi lợi tha. Thực hiện cụ thể tứ nhiếp pháp thì tôi đã báo cáo rất đơn giản với quí vị ở đây rồi. Nói trên sự tôi nói rất đơn giản, mọi người cũng rất dễ hiểu. Điều bố thí này chính là phải thường mời khách, thường tặng quà. Giữa con người với nhau nhất định phải thường xuyên qua lại, không nên xa cách. Đây là việc làm vô cùng quan trọng! Thường xuyên nghĩ đến người khác, không nên nghĩ về mình. Nghĩ đến người khác mới đích thực lợi ích cho mình, giúp đỡ người mới thật sự là giúp đỡ mình. Cho nên, chín tôn giáo chúng ta thật sự giống như anh chị em vậy, quả thật như người một nhà, như vậy là tứ nhiếp pháp thật sự áp dụng rồi, như vậy mới thành tựu đại đạo, đại đức. Đại đạo, đại đức đều trong đời sống thường ngày, không rời đời sống thường ngày, không rời khởi tâm động niệm. Khổng Tử ở Trung Quốc, Nho gia nói là thái hòa. Thái hòa là đạo; trung hòa, bảo hòa là đức. Cho nên vũ trụ rất hài hòa, địa cầu rất hài hòa. Càng quan sát tỉ mỉ, quan sát cơ thể chúng ta, thì thân tâm chúng ta hài hòa. Cái hài hòa này là thái hòa. Nếu như cơ thể chúng ta không tốt, xảy ra vấn đề đó là đã vi phạm thái hoà. Bạn không biết dùng trung hoà, không biết bảo hoà thì cơ thể bạn xảy ra vấn đề. Bạn có buồn rầu, bạn có phiền não, bạn có lo lắng thì cái thái hoà này bạn hoàn toàn không có. Bạn thử nghĩ xem, trẻ con vừa mới chào đời, chúng có buồn rầu gì đâu? Chúng có phiền não gì đâu? Chúng có lo lắng gì đâu? Không có, vừa mới sinh ra là thái hoà, sau đó dần dần lớn lên thì bị môi trường xấu này nhuộm vào, ô nhiễm rồi. Đó không phải là bản tánh của chúng, đó là tập tánh. Cho nên nếu như con người hiểu được thái hoà, mãi mãi tương ưng với thái hoà, mãi mãi dùng được trung đạo. Trung hoà được trung đạo, quí ở chỗ là mãi mãi giữ nguyên trung đạo, đây chính là bảo hoà, như vậy nhất định có thể lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ. Ngày nay, đa số người trên thế gian này rất sùng bái khoa học mà lơ là luân thường đạo đức, tạo nên sự loạn động bất an trong xã hội hiện nay. Sự thật này hiện nay dần dần được một số các học giả thể hội được, thảo luận, nghiên cứu ngày càng nhiều, đây là việc rất tốt.

Trong tứ y pháp của nhà Phật nói liễu nghĩa. Nếu dùng vào xã hội hiện đại này thì cái liễu nghĩa này chính là làm thế nào có thể hoá giải loạn động bất an này, có thể thúc đẩy an định hoà bình. Cho nên mấy lần trong những cuộc hội nghị hoà bình gần đây, chúng tôi từ sâu thẳm cảm thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, cho nên đã đưa ra câu nói của Lão Tử: “Hòa đại oán, tất hữu dư oán, an khả dĩ vi thiện”, tôi liền nghĩ đến câu nói này của Lão Tử. Chúng ta phải phản tỉnh một cách sâu sắc. Làm thế nào dựa theo lời giáo huấn của cổ nhân để trừ bỏ xung đột trong xã hội hiện nay, thúc đẩy an định hoà bình? Câu nói này của Lão Tử đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều, cũng nghiêm khắc cảnh giác cho chúng ta. Hoà đại oán có nghĩa là điều hoà, hoà giải xung đột trọng đại. Xung đột trọng đại, quả thật mà nói, căn nguyên của nó là ở ngay bản thân chúng ta. Chúng ta thấy xung đột trọng đại trên thế giới bắt nguồn từ đâu vậy? Là bắt nguồn từ ý nghĩ của chính chúng ta. Tôi đã từng thảo luận vấn đề này với rất nhiều chuyên gia học giả. Tôi nói cái gốc của xung đột là từ sự xung đột giữa bản tánh và tập tánh, đây là căn nguyên. Ba nhà Nho - Thích - Đạo điều hoà tranh chấp trọng đại đều hiểu được đạo lý này, đều bắt đầu từ căn bản, cho nên việc hoà giải của họ luôn luôn rất có hiệu quả. Ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều những chuyên gia học giả chạy ngược chạy xuôi vì hoà bình trên thế giới từ nhiều năm nay rất nhiều lần nhưng không thu được hiệu quả. Chúng tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Sở dĩ năm nay tôi có cơ hội tham dự, tôi đem những đạo lý của cổ thánh tiên hiền này không ngừng giới thiệu cho họ, đề cử cho họ, để họ hấp thu trí tuệ từ trong đây. Hy vọng chúng ta có thể làm tốt công việc hoà bình, hoà bình thật sự có thể thực hiện.

Người thế gian bất kể là xưa hay nay, điều mà cả một đời họ mong cầu, đem quy nạp lại vẫn không ngoài ba việc: điều thứ nhất là mong giàu có, điều thứ hai là mong thông minh trí tuệ, điều thứ ba là mong sức khoẻ trường thọ. Ba điều này có thể cầu được không? Là có thể cầu có không? Nếu như mười người cầu đều cầu được cả mười thì có lẽ là cầu được. Nếu như mười người cầu, chỉ có một người được thì đó không phải là cầu được. Cho nên bạn phải quan sát tỉ mỉ, đây không phải do cầu mà được. Vậy rốt cuộc là thế nào đây? Người phương Đông nói trong số mạng của bạn có, số mạng có thì bỏ cũng bỏ không hết, số mạng không có thì cầu cũng vô ích.

Lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền phương Đông chúng ta bỏ mất rồi, chúng ta đi học người phương Tây. Người phương Tây phải cầu, phải tranh. Từ nhỏ họ phải cạnh tranh. Cạnh tranh tăng một mức là đấu tranh. Đấu tranh tăng một mức là chiến tranh. Hiện nay nếu chiến tranh bùng nổ thì cùng nhau tiêu hết, cầu không được gì cả. Đạo lý này nhất định phải nghiên cứu cho thấu triệt. Quả thật mà nói, gốc bệnh của bạn là do cách nhìn của bạn đối với mọi người, mọi việc, tất cả vạn vật sai lầm, cách nghĩ của bạn sai, cho nên bạn mới khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đây là căn bản của đại oán. Không biết rằng bản tánh của ta không hề mảy may tổn thất. Nho gia nói “nhân tánh bổn thiện”, Phật pháp nói “Phật tánh thường tồn”, cho nên lời thánh nhân dạy chúng ta mới đích thực là phương pháp hoà đại oán sáng suốt nhất mà không còn dư oán, đó chính là giáo hoá chúng sanh, giúp chúng sanh minh tâm kiến tánh. Cho nên thánh nhân dạy mọi người: “Cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si”. Tham sân si là vọng tưởng. Cạnh tranh, đấu tranh đều là hành vi sai lầm. Thánh nhân dạy mọi người phải buông bỏ, phải vứt sạch những sai lầm này, sau đó bạn mới có thể khôi phục tự tánh, đợi khi công phu thành thục rồi, thật sự buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi, thì tự tánh liền khởi tác dụng. Tự tánh khởi tác dụng thì gọi là minh tâm kiến tánh, cho nên tự nhiên giác ngộ. Người có oán hận này chỉ cần họ kiến tánh, không cần phải dàn xếp, họ sẽ tự nhiên quay đầu thôi. Tuy trước đây có oán hận, căm thù lớn, sau khi công phu thành thục thì nhất định xoá sạch hết, họ biết trong tự tánh vốn không có tham sân si, trong tự tánh vốn không có đối lập. Câu này rất quan trọng! Nội tâm chúng ta dứt khoát không có đối lập đối với mọi người, mọi việc, mọi vật. Đã không có đối lập thì làm gì có mâu thuẫn, làm gì có xung đột? Đây mới đích thực là xoá sạch hận thù, cho nên ngay chữ hoà này cũng không cần nói, chữ hoà này cũng quá dư thừa. Đây mới là hiệu quả hiện tiền đích thực của giáo dục thánh nhân; bản thân chúng ta mới thật sự lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ, siêu phàm nhập thánh. trong đây có niềm vui lớn, niềm vui đích thực. Cái vui này sinh ra từ trong nội tâm, không phải do môi trường bên ngoài kích thích. Trong nội tâm phát sinh đó mới là niềm vui chân thực.

Trong các đế vương thời xưa của Trung Quốc, Khổng Phu Tử thường tán thán Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, những vị này được tôn xưng là thánh vương trong lịch sử Trung Quốc. Vua Thang đã từng nói: “Vạn phương hữu tội, tội tại trẫm cung”, Trang Tử đã nói: “Dĩ đắc vi tại nhân, dĩ thất vi tại kỷ”. Thang là đế vương, Trang Tử là bình dân, lời của hai người họ nói đều là lời có trách nhiệm. Vua quản lý một quốc gia, sở dĩ nói vạn phương hữu tội, nhân dân có tội thì tội tại bản thân ta, tại sao vậy? Bạn làm Quốc vương dạy dân không tốt. Thời xưa công việc của quốc vương có ba việc đó là: “quân, thân, sư”, đây là ba việc họ cần phải làm. Quân là lãnh đạo, bạn lãnh đạo nhân dân đi về hướng nào. Thân là cha mẹ, bạn phải nuôi sống nhân dân. Thứ ba là sư, bạn phải dạy bảo nhân dân, bạn không dạy tốt, nhân dân phạm tội là bạn có lỗi. Đây là nói từ cái lớn, nếu như gom nó nhỏ lại vào gia đình, con em trong nhà không tốt thì người làm cha mẹ, làm người lớn phải biết là không phải chúng không tốt, mà là tại ta làm người lớn không tốt, ta không dạy được con cháu của mình, tội tại ta, không phải tại chúng. Vua Thang nói lời này là lời nói có trách nhiệm. Trang Tử nói, lời ông nói dùng cách nói hiện nay mà nói thì đúng là ở người khác, còn sai là ở chính ta. Hai câu này là có ý này.

Tháng giêng năm nay, tôi tham gia hội nghị hoà bình Liên Hiệp Quốc tại Nhật Bản. Tôi nói với đại chúng tham dự hội nghị, chúng ta làm công tác hoà bình thế giới, tại sao đã làm nhiều năm như vậy mà không có hiệu quả? Nguyên nhân do đâu vậy? Nguyên nhân là do phương hướng tư duy của chúng ta sai rồi. Mọi người họ đều nhìn tôi rất kinh ngạc. Sai do đâu vậy? Tôi nói, chúng ta khởi tâm động niệm đều là người khác là sai, còn ta là đúng. Chúng ta có quan niệm này thì vĩnh viễn không thể hoá giải xung đột, vĩnh viễn không thể thúc đẩy an định hoà bình. Thế thì làm sao đây? Chúng ta phải thay đổi quan niệm, mọi người là đúng, họ có sai cũng là đúng, ta là người sai, ta có đúng cũng là sai. Ý nghĩa hai câu này của tôi rất sâu, tuy họ nghe không hiểu, nhưng rất kinh ngạc. Họ nói: “Pháp sư, điều này làm không được!”. Làm không được cũng phải làm, thật sự làm được rồi, thì chúng ta đã thật sự cống hiến cho hoà bình an định của thế giới này. Hai câu này người thật sự có thể nghe hiểu được quả thật không nhiều, cần phải có sự khế nhập tương đối với Phật pháp, bạn mới hiểu được ý nghĩa của câu này.

Vì sao mọi người có sai cũng là đúng, bản thân ta có đúng cũng là sai vậy?

Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu”. Cảnh là môi trường vật chất, duyên là môi trường nhân sự, trong môi trường vật chất và môi trường nhân sự thì không có tốt xấu, không có tốt xấu thì không có đối lập, không có thiện ác, không có đúng sai. “Tốt xấu bởi do tâm”. Bản thân chúng ta dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước để nhìn cho nên mới có đúng sai, mới có thiện ác, mới có những bất bình. Cái lỗi này là tại ta, không phải tại môi trường bên ngoài. Đạo lý này rất sâu. Nhà Phật thường nói: “Thánh nhân vô tâm”, cái vô tâm này là không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Thánh nhân lấy tâm của mọi người làm tâm mình, lấy tâm thương mình để thương người. Cho nên, Giả Nghị triều Hán nói: “Đức mạc đại ư ái nhân, chánh mạc đại ư lợi kỷ”. Làm chính trị, việc lớn nhất của chính trị là phải lợi ích nhân dân, để nhân dân được lợi ích thật sự thì chính trị đó thành công rồi. Cho nên, ý nghĩa này rất sâu, rất rộng. “Nhiên tắc thánh nhân thường thọ thiên hạ chi trách, nhi vô trách nhân chi tâm, thị dĩ chung vô oán”, câu này nói rất hay. Học trò của Khổng Tử: “Tử Lộ văn quá tắc hỷ”, người ta phê bình ông, nói ông có lỗi, ông rất hoan hỷ. “Đại Vũ văn thiện ngôn tắc bái”: Vũ vương nghe được người ta nói lời hay, Ngài liền quỳ xuống bái họ. Vua Thuấn thì: “Thiện dữ nhân đồng, xả kỷ tùng nhân”, thấy người khác thiện cũng như mình thiện vậy, cho nên các Ngài thành thánh thành hiền. Mạnh Tử nói: “Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ, kỳ thân chánh, nhi thiên hạ quy chi”. Cho nên chúng ta muốn hoá giải xung đột, thì trước tiên phải hoá giải xung đột trong nội tâm của mình, không hoá giải được dư oán xung đột trong nội tâm mình thì bạn làm sao có thể hoá giải xung đột của người khác? “Sư pháp Đế Thuấn bất diệc thiện hồ”, đây đích thực đã thông suốt được sự lý nhân quả, chúng ta tin tưởng. Đạo gia đã nói: “Thiên đạo vô thân thường dữ thiện nhân”. Cho nên người làm thiện không cầu ở người, không cầu ở trời, quả báo tự nhiên hiện tiền. Lời nói này là lời nói trí tuệ đích thực, chúng ta cần phải ghi nhớ, cần phải áp dụng vào trong đời sống thường ngày. Ấn Độ giáo “Ma ha bà la đa” dạy chúng ta phải nhẫn nhịn được những lời trách mắng, hủy báng, dứt khoát không được dùng căm giận để đối phó căm giận, cũng không nên dùng chửi bới để đáp trả chửi bới, không nên dày vò những người dày vò bạn. Lời giáo huấn này rất quan trọng. “Ma Nô pháp điển” dạy chúng ta, khi chúng ta bị người khác huỷ báng, sỉ nhục, tuy cảm thấy sầu khổ khó chịu cũng dứt khoát không được công kích nhược điểm của người khác, hoặc là đi hại người, hoặc là trong lòng còn mang ý niệm hại người, không nên nói ra những câu nói làm tổn thương người, càng không nên nói ra những lời tổn hại hoặc nguyền rủa. Những lời giáo huấn này đều giúp chúng ta hóa giải nghiệp chướng của chính mình, thành tựu đức hạnh của mình. Chúng ta có thể tiếp nhận, có thể y giáo phụng hành là rất có ích cho mình, tiêu nghiệp chướng tăng phước tuệ. Đây là lời giáo huấn của Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo có một bộ sách gọi là “Ma Nô Pháp điển”, là lời trong “Ma Nô Pháp Điển”, chúng ta thật sự có thể hiểu được. Người trừ bỏ được nghiệp chướng tập khí của mình, đây mới đích thực là một người giác ngộ, mới bắt đầu giác ngộ, nhà Phật gọi là thủy giác, họ bắt đầu giác ngộ.

Dư oán không nhất định là oán thù kết với người khác trong đời này, nên biết rằng con người có đời quá khứ, con người còn có đời vị lai, oán thù đã kết nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, trong A Lại Da Thức gọi là dư oán. Cái này cần hoá giải. Vì mình có dư oán này, cho nên trong đời này khi gặp lại, quả thật mà nói, có rất nhiều chuyện nhỏ, những chuyện nhỏ vụn vặt sẽ dẫn đến xung đột rất lớn. Cho nên có rất nhiều điều xảy ra mà chúng ta không nghĩ ra được đạo lý này, trên thực tế đạo lý này là do thánh nhân dạy. Ở trong nội tâm có dư oán, họ đã kết oán với nhau ở đời trước, không phải trong đời này, cho nên sau khi tiếp nhận giáo dục của thánh hiền, thì họ hiểu rõ, xung đột nhỏ xảy ra rồi, ta cười xoà là xong, không để lại trong lòng. Đó là biến chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thì bỏ qua luôn rồi, vậy mới có thể hoá giải vấn đề, mới thật sự không đến nổi phải biến nó thành xung đột lớn, đặc biệt là người tu hành nhất định phải biết tiêu nghiệp chướng tăng phước tuệ. Người ta phỉ báng, sỉ nhục, thậm chí hãm hại, đó là cơ duyên tốt nhất để tiêu trừ nghiệp chướng của chúng ta, chỉ cần ta không có mảy may tâm oán hận, không có mảy may tâm báo thù lại đối phương là họ tiêu nghiệp giúp ta, sao ta có thể trả thù họ, sao ta có thể oán hận họ? Phải đem tâm hoan hỷ mà tiếp nhận, đem tâm cảm ơn mà tiếp nhận, cái đó tiêu trừ nghiệp chướng rất nhanh, phước tuệ tăng trưởng cũng nhanh, điều này cần phải học tập.

Sau cùng chúng ta kỳ vọng những đồng học ngồi đây hôm nay, tuy thời gian không dài, nhưng cái duyên này là do nhiều đời nhiều kiếp tích luỹ mà có. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Ngũ bách niên tu đắc đồng thuyền độ”, chúng ta cùng trên một chiếc thuyền qua sông, cái duyên này là do năm trăm năm tu mà có. Chúng ta hôm nay ngồi đây, hai giờ đồng hồ chúng ta tập trung ở đây, cùng nhau tu học Phật pháp, cái duyên này bạn cũng có thể biết là rất sâu, rất hiếm có, chúng ta cần phải quí trọng. Hy vọng các bạn đồng học chúng ta đều có thể ghi nhớ, đều có thể dựa theo sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi vốn có của tự tánh. Dùng tâm như vậy để học những lời giáo huấn của thánh nhân, làm những điều thánh nhân làm, nguyện cái nguyện của thánh nhân thì chuyện dẹp loạn cũng không khó thực hiện. Cho nên hoá giải xung đột của xã hội, thúc đẩy xã hội an định hoà bình, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm, chỉ cần bản thân chúng ta chăm chỉ nỗ lực làm thì chúng ta tin rằng điều đó có thể thực hiện.

Trong kinh Pháp Cú có bốn câu, bốn câu này ở Trung Quốc trở thành câu thường dùng cửa miệng, nhưng nó là chân thực, trí tuệ chân thực, phước đức chân thực, đó chính là: “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. “Chư” là cương lĩnh giáo hoá chúng sanh của tất cả chư Phật mười phương ba đời đều không ngoài ba câu này. Hai câu đầu của ba câu này, đoạn ác tu thiện là giới, tự tịnh kỳ ý là định, là tuệ, cho nên đầy đủ tam học giới định tuệ. Tiêu chuẩn của thiện ác là không được dùng tưởng tượng và tư duy của chính chúng ta, thế là sai rồi. Tiêu chuẩn thiện ác nhất định phải dùng những lời giáo huấn trong kinh điển, cho nên đọc kinh học giáo là vô cùng quan trọng.

Tôi học Phật năm mươi ba năm, mỗi ngày đọc kinh, mỗi ngày không hề rời bỏ kinh sách. Mấy năm gần đây, do phải tiếp xúc với nhiều tôn giáo khác trên thế giới, không những đọc kinh Phật mà kinh điển tất cả tôn giáo khác tôi đều đọc, tôi đọc một cách rất nghiêm túc. Thần thánh trong tất cả các tôn giáo khác tôi đều xem họ là hoá thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, cho nên tôi đọc kinh giáo của họ không phải để hiểu thêm một chút thường thức, mà tôi học tập một cách rất nghiêm túc, xem kinh điển của tất cả tôn giáo như kinh điển của Phật giáo vậy, tôn trọng như nhau, học tập như nhau. Tuy chúng ta không thường xuyên bên nhau, nhưng hiện nay khoa học kỹ thuật đã phát triển, chúng ta lợi dụng truyền hình vệ tinh, lợi dụng mạng Internet, có thể khiến cho sự học tập trong hai bốn giờ của chúng ta không bị gián đoạn. Vệ tinh và mạng Internet của chúng ta, Tịnh Tông Học Hội cư sĩ Lâm bên này đều biết, nếu quí vị muốn biết thì hỏi họ, mỗi ngày mọi lúc mọi nơi đều có thể nhìn thấy chúng tôi cùng nhau học tập kinh giáo.

Sau cùng chúng ta dùng một câu trong “Ma Nô Pháp Điển” của Ấn Độ giáo để tổng kết, câu này nói rằng: “Tụng kinh tốt hơn không đọc sách, ghi nhớ thì tốt hơn tụng kinh, hiểu được đạo lý trong kinh thì tốt hơn người ghi nhớ. Sau cùng nói, người có thể y giáo phụng hành thì tốt hơn người hiểu rõ đạo lý”.

Sau cùng chúng tôi chúc phúc đến đại chúng tham dự hội nghị thân tâm khỏe mạnh, phước tuệ tăng trưởng, cảm ơn mọi người.

A Di Đà Phật !

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Minh