Người biết sống một mình
Bụt nói với thầy Migajala: “Những hình sắc, đối tượng của con mắt có thể là dễ chịu, có thể là đáng yêu, có thể là đáng nhớ, và có thể đem lại những ái dục. Nếu một vị khất sĩ bị ràng buộc vào chúng, vị ấy bị kết sử. Này thầy Migajala, bị kết sử như thế, vị khất sĩ đó không phải sống một mình nữa, mà là người sống hai mình.”
Danh từ người sống hai mình được dịch từ chữ Sadutiyavihari. Sadutiya có nghĩa là “hai mình“, trái với Eka là “một mình“. Kinh Tạp A Hàm dịch là nhất trú và nhị trú. Sadutiyavihari là người sống nhị trú. Còn Ekavihari là người sống nhất trú. Ở đây, Bụt không có ý nói là hai người sống chung với nhau. Ý Bụt là người ấy sống với sự ràng buộc, một kết sử. Bụt dạy tiếp: ... “Này thầy Migajala, một vị khất sĩ sống kết sử như thế, thì dù ông ta ở rất sâu trong rừng, dù nơi ấy vắng bóng người, nơi ấy không có tiếng động, thì ông ta vẫn là người sống hai mình. Vì sao thế? Vì ông ta vẫn chưa buông kết sử. Kết sử chính là kẻ thứ hai đang sống chung với ông ta vậy.”
Kệ : "Người biết sống một mình"
Đừng tìm về quá khứ Đừng tưởng tới tương lai Quá khứ đã không còn Tương lai thì chưa tới Hãy quán chiếu sự sống Trong giờ phút hiện tại Kẻ thức giả an trú Vững chãi và thảnh thơi Phải tinh tiến hôm nay Kẻo ngày mai không kịp Cái chết đến bất ngờ Không thể nào mặc cả Người nào biết an trú Đêm ngày trong chánh niệm Thì Mầu Ni gọi là Người biết sống một mình.
|