Xây dựng tương lai trong Phật pháp

Trong hiện đời này, chúng ta phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo nhằm mục tiêu xây dựng tương lai tươi sáng trong Phật pháp, hoặc xây dựng con đường đi về Tịnh độ của chư Phật, hay về Niết-bàn. Còn chúng ta xây dựng tương lai ở trần gian trong cuộc đời giả tạm này thì có sanh có diệt, chúng ta làm gì thì cuối cùng cũng hoàn không. Vì vậy, chúng ta không bận tâm đến xây dựng tương lai trong cuộc đời, mà lo xây dựng tương lai trong Phật pháp và nếu chúng ta thành công, tạo được tương lai tươi sáng trong Phật pháp thì cuộc đời này cũng sẽ tốt đẹp theo, vì chánh báo của chúng ta ở đâu thì y báo ở đó. Cho nên, lo xây dựng tương lai là xây dựng chánh báo, vì chánh báo xấu thì y báo không thể tốt đẹp.

 

Phật dạy vì tham vọng của con người, gọi là lòng tham không đáy, không bao giờ thỏa mãn được, nên họ luôn thấy thiếu thốn. Thử nhìn lại cuộc sống vật chất và tinh thần, chúng ta có thiếu thốn hay không. Thiếu vật chất cũng khổ, nhưng không bằng thiếu thốn tinh thần. Có người vật chất đầy đủ, nhưng lòng họ luôn khổ, gần nhất chúng ta thấy một vài tổng thống giàu nhất nhì thế giới, quá dư thừa của cải vật chất, nhưng họ rất khổ tâm, từ khổ tâm do tạo nghiệp, nên phải trốn chui, vì chạy theo vật chất, nên phải khổ với vật chất. Ngược lại, đối với người thiếu vật chất, nhưng tinh thần đầy đủ, Phật nói rằng họ không thiếu bất cứ thứ gì, vì trong lòng họ không ham muốn thì vật chất có hay không đối với họ vẫn bình thường.

Trong đạo Phật, xây dựng cho mình tương lai thực sự, Phật dạy phải diệt dục là chấm dứt lòng ham muốn. Làm sao cho tương lai hết khổ. Phật đã hỏi Tịnh Phạn vương như vậy, ông không trả lời được. Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng khám phá được rằng diệt dục, không ham muốn là không khổ, còn ham muốn nhiều khổ nhiều, ham muốn ít khổ ít. Tương lai làm sao phải diệt dục mới hết khổ, mới thành Phật. Tương lai của chúng ta là Niết-bàn là hết khổ. Bước đầu, Phật dạy hạn chế ham muốn, khác với chấm dứt ham muốn, nên Ngài dạy tam thường bất túc là hạn chế ba việc ăn, mặc, ở. Đương nhiên việc thế gian chúng ta cắt, nhưng còn ăn, mặc, ở, thiếu một chút vẫn sống được. Thật vậy, cần một chỗ ở tương đối, hay thiếu một chút thì ai cũng có được. Chúng ta có một chỗ ở khiêm tốn, chỉ cần căn phòng ba mét vuông cũng đủ ở. Ở Nhật, tôi từng ở phòng như vậy, chỉ đủ để một tấm nệm, một cái chăn và một ít sách là đời sống bất túc khiêm tốn nhất. Khá hơn, thuê phòng 12m đến 16m vuông, còn giàu có đòi hỏi thì vô cùng vô tận, phải lo chi trả cho chỗ ở đắt tiền, nên bao giờ họ cũng thấy thiếu. Các sinh viên khác thuê phòng trọ một tháng 15.000 yên, trong khi chỗ ở của tôi rẻ tiền nhất, chỉ trả 3.000 yên một tháng vẫn ở được, học được là kinh nghiệm tôi hạn chế chỗ ở nên chi phí này không lo, thì học bổng ít mà vẫn có dư tiền. Nhờ vậy, tôi trở thành người giàu có vì giúp đỡ được cho người khác. Còn những sinh viên là con của tướng tá, bộ trưởng tuy nhiều tiền, nhưng thiệt nghèo, vì xài hoang phí, nên lúc nào cũng thiếu nợ, phải mượn tiền tôi, họ nói tôi tu không biết xài tiền. Không biết xài tiền, mới tích lũy được công đức. Hạn chế chỗ ở, tâm được nhẹ nhàng, coi phòng ở là chỗ trọ qua đêm, sáng thì đến trường và cuộc đời này cũng là quán trọ, nên chi phí ít để có thì giờ học nhiều.

Vấn đề thứ hai là ăn là điều tối thiểu của con người, nên biết rằng không cần ăn nhiều, ăn chỉ đủ để sống. Tôi gầy nhờ ăn kiêng, nhưng khỏe. Ăn nhiều béo phì phải uống thuốc. Nhiều người thưa với tôi rằng họ mập nhưng khổ lắm vì đau nhức. Rõ ràng vì họ ăn thừa chất bổ, thừa đạm nên bị nhức mỏi. Có người bị bệnh tiểu đường nói rằng họ khổ vì thèm ăn ngọt, nhưng ăn đường vô là chết. Như vậy, việc ăn kiêng của tôi là hợp lý, nếu ta không biết thì phải nhờ bác sĩ hướng dẫn. Bác sĩ bảo tôi lớn tuổi không nên ăn nhiều chất béo, chất đạm, chất đường. Nếu đói, ăn bột ngũ cốc, tuy gầy, nhưng sẽ không bị bệnh, hay ít bệnh. Có một lần tôi bị gai ở cổ, cúi xuống khó, bác sĩ bảo nên ăn lúa mạch, đừng ăn cơm, chỉ cần điều chỉnh một chút vấn đề ăn uống là khỏe lại. Nên nhớ rằng tuổi càng lớn, nên càng ăn ít, tuổi nhỏ cần phát triển cơ thể thì phải ăn đầy đủ. Từ 40 tuổi trở lên, nên hạn chế ăn thì bao tử nhỏ lại, không ăn nhiều được nữa là kinh nghiệm của thiền sư. Ăn nhiều, bao tử giãn ra, lúc nào cũng thấy đói. Hạn chế được ăn, chúng ta đỡ đau. Ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Ngoài ra, hạn chế vấn đề mặc, chúng ta đỡ tốn kém.

Ba điều căn bản trong cuộc sống là ăn, mặc, ở mà hạn chế được thì chúng ta có thặng dư và sử dụng số dư này để đổi ra phước báo vô lậu. Còn ăn, mặc, ở tốn kém nhiều, ta mắc nợ cuộc đời nhiều, thì ra đi không có hành trang, sẽ trở thành người nghèo khổ. Giảm thiểu ăn mặc ở và đổi thặng dư ra công đức là phước đức và trí tuệ, làm như vậy là xây dựng tương lai. Tương lai của ta tốt do phước đức nhiều và trí tuệ sâu. Như vậy, xây dựng tương lai là lo tích lũy công đức. Thuở nhỏ, mới tu, tôi lập chí nhường tất cả mọi thứ cho cuộc đời, nhưng trừ trí tuệ, học vấn thì không nhường, không biết thì phải học. Xây dựng tương lai là một tương lai có trí tuệ. Phật hơn tất cả mọi người ở Chánh biến tri, tức Ngài thấy biết người và sự việc một cách chính xác.

Giai đoạn một, phải lo học hành, xây dựng tương lai là vậy. Tuổi trẻ học giỏi, không phạm lỗi lầm, chắc chắn tương lai trong sáng, được đắc dụng. Còn trẻ mà đạo đức kém, học dở là tự khóa tương lai của mình. Vì vậy, xây dựng tương lai bằng cách phát huy trí tuệ và tránh những lỗi lầm. Nếu lỡ phạm lỗi, người chỉ dạy, chúng ta phải sửa ngay, là xây dựng tương lai tốt. Đến khi trưởng thành tiến sang bước thứ hai, uy tín có, vì chúng ta có học thức và đạo đức, đó là cơ hội tốt để dấn thân hành đạo, nên đem tất cả tài chí để phục vụ. Có người có bằng cấp, nhưng treo để khoe, chứ không làm được việc. Cơ hội có, đem tất cả sở tồn đóng góp hết sức mình làm lợi ích cho đời. Bước qua giai đoạn ba quy định từ 60 tuổi trở lên, cuộc đời còn lại, chúng ta lo cho tương lai xa, nghĩa là lo cho kiếp lai sanh; vì chúng ta biết cánh cửa của cuộc đời này sắp đóng lại, chúng ta tìm cách mở cánh cửa cho kiếp sau.

Tất cả Bồ-tát tái sanh đều có chuẩn bị đầy đủ. Các ngài sanh trên cuộc đời này, làm đúng những gì đã hoạch định và làm xong, nghĩ đến tương lai là bỏ thân tứ đại này sẽ sanh ở đâu, làm gì, đây cũng là điều quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ. Bồ-tát coi cuộc đời của con người là một mắt xích từ vô thỉ cho đến bây giờ và từ bây giờ đến tương lai nối tiếp nhau. Tất cả những gì quá khứ hiện hữu ngay trên cuộc đời và những gì đang có sẽ là nhân cho đời sau. Phật tử lớn tuổi có duyên làm việc, hết duyên, thì chuẩn bị cho đời sau sẽ sanh ở đâu. Chúng ta coi lại kho tàng giáo lý mà Phật và chư vị Tổ sư giới thiệu để lựa chọn. Chúng ta chọn Niết-bàn hay Tịnh độ, tức chúng ta muốn nghỉ ngơi; nhưng nếu chọn sinh mạng tương tục của Bồ-tát hành đạo thì chọn chỗ tái sanh trên cuộc đời cho đến khi thành Phật. Như vậy, chuẩn bị cho chuyến đi xa của chúng ta, ai cũng phải ra đi thì phải có đích đến là đời sau tái sanh lại Ta-bà hành Bồ tát đạo, hay là về Tịnh độ, Niết-bàn. Có Hòa thượng chuyên tu Tịnh độ nói rất dễ thương rằng ngài muốn sanh Tịnh độ, nhưng về với Phật Di Đà vài hôm thôi, rồi sẽ trở lại Ta-bà cùng với quý Thầy làm việc. Có Hòa thượng khác thì nói rằng sợ thế giới này, nên dứt khoát không trở lại, nhất định lên Niết-bàn. Còn con đường thứ ba là chấm dứt cuộc đời thì sẽ quán sát xem tái sanh ở đâu, làm gì; đó là con đường Bồ-tát đạo của kinh Pháp hoa. Người tu Pháp hoa không về Tịnh độ, không về Niết-bàn, mà hành Bồ tát đạo ở Ta-bà, quyết lòng tế độ chúng sanh từ đời này đến kiếp khác, cho đến thành Phật. Con đường này của Bồ-tát Đại thừa có chuẩn bị đầy đủ là xây dựng tương lai, tái sanh ở đâu, làm gì. Tìm chỗ tái sanh có quyến thuộc Bồ-đề, hay có Phật, hoặc có nhiều thiện hữu tri thức mới làm đạo được. Còn tái sanh vào nhà ngoại đạo, hay vào những xứ không biết tu hành theo Phật pháp, chúng ta sẽ mất kiếp. Vì vậy, điều quan trọng nhất là duyên trong Phật pháp phải có gọi là tương tục duyên, nếu chúng ta sơ suất một lần sẽ mất lực, sơ suất hai ba lần sẽ mất kiếp luôn; cho nên con đường này rất nguy hiểm.

Tôi bảo Phật tử nên tụng Pháp hoa để Bồ-tát tái sanh Ta-bà làm đạo, nghe kinh thì sanh lại làm con cháu chúng ta để khỏi mất kiếp. Thật vậy, sau khi chết, nghe chỗ có tụng kinh, chúng ta vô, chỗ có chùa, chúng ta tới. Tuổi lớn, buông bỏ thế sự, gần gũi chùa và chư Tăng, nghe tụng kinh, tiềm thức có sẵn thì ngủ mơ nghe pháp, tụng kinh chúng ta cũng tìm đến là con đường thứ ba mở ra. Nếu còn sống, mà bị bệnh, không về chùa được, nhưng tha thiết muốn về Thầy, thì bỏ thân này là về chùa liền. Nhưng nếu chúng ta đi lạc một lần là đánh mất một kiếp thì Thức của chúng ta sẽ bị yếu đi; thí dụ, lỡ sanh vào loài súc sanh, không nghe pháp được, không tu hành được, hoặc sanh vào nhà ngoại đạo bị nhồi nhét tà kiến, niềm tin Phật của chúng ta bị yếu đi. Vì vậy, tu hành chọn con đường thứ ba phải có định hướng rõ ràng là chết về đâu, mà đã chọn là phải có hướng tâm về đó. Thí dụ ở Việt Nam, Phật giáo đang thạnh, sau khi chết, tái sanh vào nước Việt Nam, vô gia đình có niềm tin Phật và tương đối có đạo đức, có trí tuệ, thì chúng ta sẽ phát triển con đường tu của mình dễ dàng, vì từ nhỏ, chúng ta đã được đi chùa, nghe pháp, chúng ta sẽ không bao giờ mất kiếp. Tái sanh ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chùa, nếu thần thức đến chùa, thấy người mình quý trọng thì theo về nhà họ để sanh lại là vô nhà Phật giáo. Tôi nghĩ đời trước mình cũng từng tu, nên cha mẹ tôi lên chùa cầu phước, tôi theo về thấy nhà biết tụng kinh. Như vậy, có định hướng tái sanh, chọn chỗ ta thường tới đó tụng kinh, tìm bạn tri thức để ta sanh vào nhà họ. Còn có người cũng đi chùa, nhưng cảm giác giữa mình và chùa xa lạ, không được bạn bè chấp nhận, thì chết họ bơ vơ, vì còn sống đã lạc lõng.

Định hướng đầy đủ, trở về chùa, tái sanh lại không mất kiếp, sẽ tiếp tục tu. Câu chuyện sau liên hệ đến Hoằng Nhẫn đại sư nói lên ý này. Ngài Đạo Tín muốn truyền pháp cho ông, vì ông đắc đạo, nhưng ông lớn tuổi hơn, nên lỡ ông chết trước thì không nối dòng pháp được. Hoằng Nhẫn nói rằng “Thầy chờ con” là ông tìm chỗ sanh vô, đến gia đình đó thấy có nhân duyên với cô gái nên xin cho ở trọ một đêm. Cô gái bảo ông hãy xin phép bố mẹ cô. Ông nói cô bằng lòng là được. Bấy giờ Hòa thượng tự té xuống chết tại chỗ, liền tái sanh vô nhà này, nên cô gái không chồng mà có mang và sanh ra đứa con. Cô bực quá ném đứa con xuống ao, rớt lên lá sen trôi đến trước cửa chùa. Ngài Đạo Tín bế đứa bé về nuôi là hậu thân của Hoằng Nhẫn. Ngài Hoằng Nhẫn tuổi nhỏ nhưng rất thông minh và được Đạo Tín truyền pháp. Đó là cách chọn chỗ tái sanh của Tổ Hoằng Nhẫn. Trên thực tế, chúng ta thấy các vị Lạt-ma Tây Tạng thường chọn chỗ tái sanh là một trong những cách xây dựng tương lai trong đạo pháp, không bị mất kiếp để tiếp tục tu hành cho đến thành tựu Phật quả.

HT.Thích Trí Quảng