Áo blu trắng nơi cửa chùaHà Nguyên Trong tiếng chuông chùa ngân vang, những bác sỹ trong chiếc áo blu trắng tận tâm khám cho từng bệnh nhân nghèo. Đây đó, thấp thoáng những tà áo nâu giản dị. Ở nơi đây, nỗi đau đã được vơi đi bởi một tình người ấm áp, thương yêu. Một lần trở lại - Gần 2 năm rồi, tôi mới có dịp trở lại chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội). Ngôi chùa vào một buổi chiều chuyển mùa xao xác mà yên bình đến lạ. Thắp hương xong, tôi thơ thẩn một vòng quanh chiếc hồ sen trước chùa rồi dắt xe ra về. Run rủi thế nào, tôi nhét chìa khóa vào cốp xe rồi tiện tay dập cốp. Vậy là xong. Tôi loay hoay một hồi lâu bên chiếc xe không chìa khóa. Cuối cùng, một người thanh niên trạc trên 30 tuổi đến giúp tôi. Sau gần 30 phút sau hì hục đánh vật với chiếc cốp, chiếc chìa khóa cũng được lấy ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nói lời cảm ơn người đàn ông tốt bụng. Anh bảo: “Có gì đâu. Mình là một Phật tử, giúp đỡ ai đó là một việc làm tự nhiên thôi mà”. Rồi anh kể về những chuyến đi thiện nguyện, những buổi khám chữa bệnh từ thiện ở chùa. Một ngày chủ nhật cuối tháng 9, tôi trở lại chùa. Tôi
gặp lại sư thầy Thích Nữ Như Hiền. 2 năm trước, sư thầy là nhân vật chính trong
tác phẩm “Bát cơm di đà” của tôi viết về hoạt động phát cơm, cháo từ thiện của
nhà chùa ở hai bệnh viện K. Hình ảnh người sư thầy từ tờ mờ sáng đã tất tả bắt
xe ôm đi chợ đầu mối Long Biên để mua thức ăn cho bữa cơm từ thiện đến giờ như
vẫn còn in đậm trong tôi. So với 2 năm trước, sư thầy không còn nhanh nhẹn nữa.
Nhưng ánh mắt hiền từ ấy thì vẫn vẹn nguyên và công việc của thầy thì vẫn vậy. 6h30 sáng, căn phòng nhỏ ở góc chùa đã chật kín người.
Hôm nay, nhà chùa tổ chức khám bệnh từ thiện cho các đối tượng chính sách,
người cao tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi xếp
hàng ngay ngắn hai bên hành lang. Mỗi buổi, chùa tổ chức khám cho 100 bệnh
nhân, nhưng đến 9h sáng, số bệnh nhân đã lên tới 110 người. Dù đông nhưng ai
nấy đều rất nhẹ nhàng, nhận lấy số rồi vào khám theo trật tự. Đây là lần thứ hai, bà Nguyễn Bích Thu (75 tuổi, khu tập thể Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến khám bệnh từ thiện ở chùa. Bà mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường nên tháng nào cũng phải đi bệnh viện khám định kỳ. Nhà nghèo, không có điều kiện đi khám thường xuyên nên có lần, chỉ số tiểu đường của bà lên tới 10,5, phải đi bệnh viện cấp cứu. Từ ngày được phòng y tế của phường phát giấy mời đến khám bệnh từ thiện ở chùa, bà mừng lắm. “Tôi già rồi, chắc chả sống được bao lâu nữa. Nhưng được khám bệnh từ thiện ở chùa, tôi thấy lòng mình thanh thản lắm. Có lẽ vì thế mà bệnh tật cũng đỡ đi nhiều”.
Mong làm vơi
bớt nỗi đau - Ông Mai Đình Chung (82 tuổi, phường Cẩm Hội, quận Hai Bà Trưng, Hà
Nội) bị ốm đã nhiều năm nay. Ông đến chùa trong tình trạng thở gấp, gần như
đuối sức, không nói được nên lời. Các bác sỹ phải dìu ông vào đo mạch và huyết
áp, cấp cứu cho ông. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại sống neo đơn nên ông không
có điều kiện chữa bệnh. Biết chùa tổ chức khám bệnh từ thiện, ông đi bộ đến đây,
nhưng sức khỏe yếu nên vừa đến cổng chùa thì ông ngã gục. Hoạt động khám bệnh từ thiện ở chùa được tổ chức vào hai ngày chủ nhật trong tháng, bắt đầu từ tháng 1/2012. Khu nhà ở góc chùa được chia thành nhiều phòng nhỏ, bao gồm một phòng khám chữa bệnh, một phòng chẩn đoán hình ảnh và một phòng cấp phát thuốc. Nhà chùa đã trang bị một số máy móc thiết yếu cho việc khám chữa bệnh như máy điện tim, máy đo đường huyết, máy siêu âm màu, thử máu. Mỗi buổi khám có khoảng 5 bác sỹ, 5 dược sỹ, 4 y tá. Họ đều là những Phật tử có tấm lòng thiện nguyện, muốn cùng chung sức với nhà chùa làm vơi bớt những nỗi đau bệnh tật cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ấn tượng hơn cả với tôi là trường hợp của ông Đinh
Tiến Hòa (61 tuổi, phường Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhìn nét mặt
tươi cười và thái độ cởi mở của ông với những người xung quanh, ít ai nghĩ
rằng, ông mang trong mình căn bệnh ung thư gan đã 4 năm nay. Trong lúc khám,
ông cười bảo với các bác sỹ: “Giờ tôi chỉ đợi ông giời gọi lúc nào là thưa lúc
ấy thôi, chị ạ. Chị khám nhanh cho tôi để những người sau đỡ phải chờ lâu”. Câu
nói ấy của ông khiến TS. bác sỹ Vũ Thị Trâm, nguyên chủ nhiệm bộ môn Dược lý,
trường Đại học Dược Hà Nội như lặng đi. Vừa nghỉ hưu được một thời gian, tình cờ biết đến hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của nhà chùa qua một đồng nghiệp, bác sỹ Vũ Thị Trâm đã rất nhiệt tình tham gia. Trong chuyến khám bệnh từ thiện cho 1.000 người Mông ở xã Nacosa, huyện Mường Nhé, Điện Biên tháng 4/2012 vừa qua, bác sỹ Trâm cũng là người lặn lội xuống đến tận các bản làng sâu xa nhất để khám cho người dân. Chuyến đi đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí người bác sỹ giàu y đức bởi hình ảnh những đứa trẻ trần truồng, những người bệnh chưa một lần được cầm một viên thuốc. “Mình tham gia những hoạt động này cũng là mong giảm tải một phần nào cho các bệnh viện công, bệnh viện tư hiện nay. Cũng là mong giúp đỡ được phần nào cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người góp một sức nhỏ bé mới mong vơi bớt những nỗi đau”, bác sỹ Vũ Thị Trâm chia sẻ. Gần 1h chiều, buổi khám mới xong. Tôi ra về mà vẫn nghe văng vẳng tiếng chuông chùa ngân vang. Tiếng chuông ấy ngân lên giữa phố phường ỗn ã như một thanh âm trong trẻo, xua tan những mệt mỏi, đau đớn, bệnh tật, thắp lên ánh sáng của tình yêu thương và niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, ấm áp tình người. Box: Hàng ngày, chùa Linh Sơn và các Phật tử giàu lòng thiện nguyện tổ chức phát 250 suất cơm và 500 suất cháo cho các bệnh nhân ở Bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Nhà chùa còn khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách vào hai sáng chủ nhật trong tháng; tổ chức các chuyến đi tặng quà, khám chữa bệnh từ thiện ở các vùng sâu, xa, thiên tai, bão lũ. |