Năm việc Phật tử tại gia không được làm
(Kienthuc.net.vn) - Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới. Sở dĩ đức Phật đặt ra 5 giới, vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia hưởng được quả báo tốt đẹp. | Phật tử thuyết trình năm giới tại khóa tu tại chùa Đình Quán (Hà Nội) |
Đức Phật không bắt buộc người Phật tử phải tuân theo triệt để. Tuy nhiên 5 giới là 5 thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là 5 hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi. 1. Không sát sinh Không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn, nhỏ. Đồng thời, không làm tổn thương sự sống của bất luận sinh vật nào và không xúi giục người khác làm những điều ấy. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sinh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản. Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng. Bởi mọi chúng sinh đều muốn sống sợ chết và có Phật tính như nhau. Ngoài ra, giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi, người có lòng nhân không nỡ sát hại người hay vật. Theo giáo lý nhà Phật thì người giữ giới sát sinh luôn luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa. Nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới không còn chiến tranh giết hại nữa. 2. Không trộm cướp Không trộm cướp có nghĩa là “không cho thì không lấy”, là không cố ý lấy hoặc nhờ người khác lấy, vật có chủ mà không được cho đến mình. Không trộm cướp còn thể hiện lòng từ bi vì một người phải cực khổ để làm ra tiền nuôi thân và gia đình và dành dụm phòng khi đau yếu hoặc tuổi già. Nếu bị mất sẽ đau khổ và tuyệt vọng có khi đi đến tự tử. Người trộm cướp, cho dù có thoát khỏi lưới pháp luật nhưng lương tâm lúc nào cũng lo sợ và nhân qủa nghiệp báo ở kiếp sau không thể tránh khỏi. Người không gian tham, đời này sống yên ổn, đi đâu cũng có người tin cậy, đời sau được phúc báo giàu sang. Về xã hội, nếu mọi người đều không gian tham trộm cướp thì nhà không cần đóng cửa then cài nữa. 3. Không tà dâm Không tà dâm là không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình. Người Phật tử không được xui bảo và bày mưu cho người khác làm việc tà dâm. Giới này nhằm bảo vệ sự công bằng, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người. Không tà dâm còn tránh được oán thù và quả báo xấu vì không có sự oán thù nào mãnh liệt cho bằng sự oán thù do lừa dối tình hay phụ tình gây ra. Nếu mọi người đều giữ giới tà dâm thì gia đình được đầm ấm, xã hội có luân thường đạo lý, không có những sự thù hằn chết chóc vì tà dâm nữa. Mặc dù Phật chỉ cấm tà dâm, nhưng giữa vợ chồng cũng phải điều độ, biết tiết dục, để cho thân được khỏe, tâm được trong sạch nhẹ nhàng. Còn với người xuất gia thì tránh hẳn dâm dục. 4. Không nói dối Nói dối là nói không đúng sự thật. Không nói dối còn bao gồm cả ba điều khác của miệng là không nói lời hai lưỡi làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau. Kế tiếp là không được nói lời thêu dệt, thêm bớt, nói châm chọc, bóng bẩy làm cho người nghe buồn phiền và khởi tà niệm. Phật tử cần giữ giới này vì đạo Phật là đạo của sự thật nên phải tôn trọng sự thật. Vì nuôi dưỡng lòng từ bi, người Phật tử phải tránh sự dối trá lừa gạt để không gây cho người khác sợ hãi, buồn phiền, đau khổ. Lời nói chân chính không đượm nhuần những tư tưởng bất thiện như tham lam, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn. Bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí. 5. Không dùng chất kích thích Không uống rượu mạnh và không dùng bất luận chất say nào có thể làm cho trí não lu mờ, mất sáng suốt. Mặc dù tội say rượu chưa phải là túc nghiệp nhưng vẫn phải chịu quả báo cuồng loạn, mất trí, điên dại ở kiếp sau. Giới cấm này mới nghe thấy có vẻ không quan trọng nhưng xét kỹ thấy thật quan trọng. Chính vì uống rượu say mà có thể gây phạm bốn giới cấm nêu trên là sát sinh, cướp của, nói dối, hiếp dâm. Người không uống rượu còn tránh được sự hao tốn tiền bạc, thân ít bệnh tật, trí tuệ tăng trưởng, tuổi thọ cao, con cái khoẻ mạnh, và gia đình yên vui. Thời cổ đại ở Ấn Độ, các tôn giáo đều có ngũ giới nên đại thể đều tương đồng, như 5 giới sau trong 10 giới của Cơ Đốc giáo cũng vậy. Nay phân biệt nêu ra như sau: 1. Ngũ giới của Phật giáo: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu 2. Ngũ giới của Ma na Pháp điển: Không sát sinh, không vọng ngữ, không trộm cắp, không phi phạm hạnh (không dâm), không tham sân. 3. Ngũ giới của Bao đạt dạ na Pháp điển: Không sát sinh, không vọng ngữ, không trộm cướp, nhẫn nại, không tham. 4. Ngũ giới của Tiền Đa Khư Da, Áo Nghĩa Thư: Khổ hạnh, từ thiện, chánh hạnh, không sát sinh, thật ngữ. 5. Ngũ giới của Kỳ na giáo: không sát sinh, không trộm cướp, không vọng ngữ, không dâm, ly dục. 6. Ngũ giới của Du già phái: không sát sinh, không vọng ngữ, không trộm cướp, không tà dâm, không tham. 7. Năm giới sau của Cơ Đốc giáo: Đừng giết, đừng trộm, đừng dâm, đừng vọng chứng, đừng tham của cải người khác. |
* (Bài viết có sử dụng tài liệu của daophatngaynay) Bùi Hiền
|