Hành trình tìm về với đồng bào vùng lũBản tin trong nước của tờ Báo Chí Với Trẻ Em
Post 11/08/2006 Cùng tham gia vào cuộc hành trình đầy ý nghĩa ấy, với tư cách là một tình nguyện viên CMVN, tôi có cơ hội được đại diện cho một tập thể website, mang theo 120 phần quà trao tặng cho các em nhỏ vùng lũ. "Nhà chùa phải tiết kiệm tối đa mọi chi phí để dành tiền làm từ thiện". Lời Sư Thày Trụ Trì Thích Nữ Như Hiền luôn là điều tâm niệm đối với mỗi thành viên trong suốt cuộc hành trình cứu trợ đồng bào lũ lụt Đà Nẵng. Cả đoàn chúng tôi khởi hành chuyến đi lúc 5h chiều một ngày cuối tuần mang theo cơ man nào quần áo sách vở, đồ ăn và cả những tấm lòng Phật tử gửi đến đồng bào mình. Niềm hân hoan hồ hởi đi làm việc của đoàn cứu trợ chùa Linh Sơn dường như đã làm cho quãng đường hơn 700 km từ Hà Nội đến Đà Nẵng trở nên ngắn lại. 16 con người, Thày Trụ Trì và các Phật tử đã thay mặt cho bao tấm lòng từ thiện của thủ đô tìm về với đồng bào gặp nạn. Đến thành phố biển khi đã 10h sáng, chúng tôi đều không khỏi ngỡ ngàng về một Đà Nẵng vẫn mang đầy dấu vết của sự tàn phá của thiên nhiên. Đoàn cứu trợ được đón tiếp nồng nhiệt và gặp gỡ rất nhiều con người thân thiện tại Thành Hội Phật Giáo thành phố. Một sinh viên báo chí như tôi lần đầu tiên được thưởng thức hương vị bữa cơm chay của nhà Phật. Bữa cơm ấm cúng và đầy ắp tình người. Hai giờ chiều theo sự sắp xếp của thành hội Phật giáo và UBND thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã được tiếp xúc trực tiếp với những người dân đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sạu cơn bão của phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê. Cảm động và ý nghĩa, những người dân nghèo ấy đến bên chúng tôi để nắm tay thay lời cảm tạ. 200 suất quà cứu trợ bao gồm 10 kg gạo, 1 bọc quần áo, 1 gói bánh và 100.000 đồng chứa đựng tấm lòng của Thầy Trụ Trì và Phật Tử chùa Linh Sơn. " Một miếng khi đói bằng một gói khi no". là những gì mà Thầy gửi tới đồng bào vùng lũ. Những người dân được nhận quà là danh sách lựa chọn của UBND phường. Họ đều là những người lao động vất vả. Cơn bão đi qua đã cướp đi bao tài sản của họ, thậm chí cả mạng sống. Những người đến nhận quà thuộc đủ thành phần, lứa tuổi: từ cụ già tóc bạc phơ đến phụ nữ mang thai, từ những người nông dân tới những em nhỏ đi thay bố mẹ.Được nhận tấm lòng của đồng bào hảo tâm trong lúc hoạn nạn có người đã khóc Cụ Phạm Cường, 75 tuổi, khiến mọi người ái ngại vì mái tóc đã bạc trắng, già yếu, lại thêm một chân phải bó bột do bị thương trong cơn bão nhưng vẫn cố gắng đến UBND phường để nhận chút gạo cứu trợ về cho gia đình đang cơn túng quẫn. Hiện tại 4 con người, già có trẻ có đang phải sống trong mấy miếng bạt căng tạm. Đoàn trở về Hà Nội ngay sáng hôm sau nên tôi có quá ít thời gian để hiểu thêm Đà Nẵng. Nhưng có một điều mà tất cả chúng tôi ai cũng ghi nhận. Đó chính là sự thân thiện của những con người vùng lũ. Họ nghèo về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tinh thần đó đã giúp dân nơi đây có thêm nghị lực để chiến đấu chống chọi với thiên nhiên, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt và tiếp tục sống.
Đinh Minh. |