Ngày Lễ Phật đản đã được phần lớn các chùa ở Hà Nội tổ chức từ vài ngày trước. Nhưng hôm nay, vẫn có rất đông các Phật tử ở khắp nơi về lễ Phật, bởi với họ, đến cửa Phật là để tự răn mình luôn làm điều phúc thiện.
Hôm nay 28/5 (tức 15/4 âm lịch), Đại lễ Phật đản được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với nhiều các hoạt động như: Cung rước kim thân Đức Phật và Ngọc Xá Lợi Phật từ chùa Quán Sứ sang Cung Văn hóa Hữu nghị, rước về chùa Quán Sứ; Mít tinh mừng Phật đản và Diễu hành xe hoa mừng Phật đản….
Rước xe hoa mừng ngày Phật đản |
Ngày Phật Đản là một trong 3 ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật (lễ Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo). Đây cũng là một hoạt động sinh hoạt Phật giáo mang tính ổn định của Hội Phật giáo từ Trung ương đến các địa phương.
Nguồn gốc của Lễ tắm Phật bắt nguồn từ sự tích Đức Phật đản sinh. Theo Phật sử, khi Phật đản sinh, trên trời có chín vị rồng phun hai dòng nước nóng lạnh tắm rửa cho Ngài. Cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trỗi nhạc trời chúc mừng Thái tử. Về sau, Lễ tắm Phật là một trong những nghi thức long trọng trong lễ hội kỷ niệm Phật đản. |
Ngay từ 4-5 giờ sáng, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đã bắt đầu tổ chức Lễ Phật đản bằng nghi thức tắm Phật. Đây là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản sanh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh “ba nghiệp thân khẩu ý” của con người.
Trước đây, ngày kỷ niệm Phật đản là mùng 8/4 âm lịch nên lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày này. Đến năm 1950, Phật giáo thế giới thống nhất kỷ niệm Phật đản vào ngày 15/4 âm lịch nên ngày lễ tắm Phật cũng được thay đổi, tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức lễ này trong các ngày từ mùng 8- 15/4 (âm lịch).
Thượng tọa Thích Gia Quang |
Tại chùa các chùa Đình Quán, Phúc Khánh, bên trong và bên ngoài chùa được trang hoàng rực rỡ. Băng-rôn treo trước cửa chùa có dòng chữ “Mừng ngày Phật đản”. Các Phật tử cũng đến Lễ Phật khá đông. Trong buổi sáng nay, tại nhiều ngôi chùa chỉ còn một vài tăng ni ở lại trực, còn sư trụ trì và các tăng ni khác đều đi dự buổi Lễ Phật đản tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Một sư thầy ở chùa Phúc Khánh cho biết, chùa Phúc Khánh đã tổ chức buổi Lễ Phật đản cách đây vài ngày với các nghi thức của nhà Phật như tắm Phật, cầu bình an cho đất nước và dân chúng, thả chim phóng sinh, phát chẩn cho người nghèo... Trong những ngày này, lúc nào cũng có rất đông Phật tử, cả Phật tử ở những tỉnh xa cũng về dự Lễ. Tối nay, các Phật tử sẽ đổ về đây rất đông để lễ cúng sao Thái Bạch hằng tháng. Nhà chùa cũng chuẩn bị rất nhiều đồ lễ gồm chuối, oản để dâng lên Đức Phật, sau buổi lễ thì phát lộc cho các Phật tử.
Chị Hoàng Thị Đào: "Mỗi khi đến cửa Phật, tôi thấy mình tĩnh tâm hơn" |
Tại chùa Phúc Khánh, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Đào, số nhà 22, ngách 267/11, Đại Từ- Đại Kim (Hà Nội) đang vãn cảnh chùa. Chị Đào cho biết, vào ngày Rằm, mùng Một chị thường đến lễ chùa. Nhất là từ khi lập gia đình và đang mang bầu đứa con đầu lòng, chị càng năng đi chùa hơn. Chị cầu mong Đức Phật phù hộ cho gia đình mình hạnh phúc và đứa con sắp chào đời được khỏe mạnh. “Tôi không biết hôm nay là ngày Phật sinh, ngày Rằm nào tôi cũng đi Lễ chùa. Mỗi khi đến cửa Phật, tôi thấy mình tĩnh tâm hơn. Đi chùa tôi chỉ cầu hạnh phúc và có sức khỏe, bởi có những thứ đó là có tất cả”- Chị Đào tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Phúc: "Học ngay những điều Phật dạy là sống “từ bi, hỷ xả, lương thiện, không gây oán hận” |
Còn đối với bà Nguyễn Thị Phúc (81 tuổi), số nhà 55, ngõ 46A, phố Chính Kinh, Thượng Đình (Hà Nội) thì đi chùa đối với bà như một thói quen vào những ngày Rằm, mùng Một, ngày Phật đản. Đã hơn 9 năm nay, mặc dù bị bệnh sỏi thận, không ngồi thiền lâu được nhưng vào những ngày này, dù mưa, dù nắng bà cũng cố gắng thu xếp đi Lễ chùa. Bà tâm niệm, đến cửa chùa, được học những điều Phật răn dạy, bà thấy mình luôn phải cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Nhiều lần bà bị bệnh nặng “thập tử nhất sinh”, tưởng chừng buông xuôi, nhưng tâm niệm điều Phật răn, bà gồng mình chiến thắng bệnh tật. Trong nuôi dạy con cái, bà cũng thấy mãn nguyện bởi cả 5 người con của bà đều hiếu thảo và thành đạt. “Tôi nghĩ không cần phải học những điều gì to tát ở đâu mà học ngay những điều Phật dạy là sống “từ bi, hỷ xả, lương thiện, không gây oán hận”. Tôi đã dạy con cháu mình dù nghèo phải sống thanh sạch, tự răn mình mỗi khi làm bất cứ việc gì. Đến cửa Phật, tôi thấy mình sống than thản và có ý nghĩa hơn”- Bà Phúc nói.
Chị Bùi
Thị Chung: "Mỗi khi đi lễ chùa, tôi thấy mình xả bỏ được hết ý nghĩ
“tham, sân, si”
Không chỉ riêng ngày Lễ Phật đản, mà trong các ngày Lễ khác, đến những ngôi chùa ở Hà Nội, nhiều người sẽ không còn ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh một số Phật tử dọn dẹp, nhặt rác rơi vãi trong chùa. Đối với họ, làm cho chùa thanh sạch là trách nhiệm của các Phật tử. Nên thấy bất cứ ở đâu trong chùa có rác là họ lại tự quét dọn. Chị Bùi Thị Chung, số nhà 136 phố Khương Thượng (Hà Nội) là một “lao công” thường xuyên ở bất kỳ ngôi chùa nào chị đến lễ. “Tôi nghĩ đây là việc làm bình thường của các Phật tử. Nhà chùa cũng như nhà mình, cần phải giữ cho sạch sẽ. Những ai hay đi lễ rồi cũng làm như vậy. Dần dần, mọi người cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định. Tôi cũng thường xuyên đi lễ ở nhiều chùa và tên pháp danh là Hiệu Diệu Thủy. Mỗi khi đi lễ chùa, tôi thấy mình xả bỏ được hết ý nghĩ “tham, sân, si” trong đầu, mong muốn làm nhiều điều tốt lành”- Chị Chung tâm sự.
Cùng với niềm phấn khởi của tăng ni, phật tử trong cả nước đón mùa Lễ Phật đản an lành, Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, thành quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được hôm nay có sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương. Sự giúp đỡ của Nhà nước đối với với Phật giáo đã làm cho công tác Phật sự ngày càng tốt đẹp vì lợi ích chung, an lạc chung cho mọi người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội./.