Bóng Phật ở Trường Sa
Bóng Phật thấp thoáng bên những người thành tâm. Những ngôi
chùa trên quần đảo Trường Sa đã đứng trong mưa nắng biển Đông, ngấm vị
mặn gió đại dương cùng những người lính đảo thức canh suốt đêm ngày nơi
phần đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đất liền hàng trăm
hải lý, giữa tiếng sóng gầm, gió rít, tiếng kêu của bầy hải âu, độ nhật,
tiếng chuông chùa lại ngân lên. Đó là tiếng chuông trong các ngôi chùa
Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây trên các đảo cùng tên trong quần
đảo Trường Sa. Tiếng chuông nơi đảo khơi nghe thoát tục mà thật gần gụi.
|
Quần thể chùa Song Tử Tây có tầm nhìn rất đẹp hướng ra Thái Bình Dương. |
Trong đoàn công tác số 10 của Bộ Tư lệnh hải quân ra quần đảo Trường Sa
những ngày đầu tháng 6, có nhiều giáo phẩm, tăng ni, phật tử. Một tiếng
chuông để kinh kệ, tĩnh tâm trong muôn trùng sóng nước ầm ào, không phải
ai cũng có được trên hành trang tu tập.
Trước các buổi lễ cầu siêu cho
những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân và đồng bào tử nạn trên vùng
biển thuộc quần đảo Trường Sa (do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Quân chủng Hải quân, công ty Xuân Trường tổ chức), người ta lại
thấy hòa thượng Thích Thanh Đàm ra đứng trầm ngâm trước biển.
Vị hòa thượng quá bát tuần của Hội
đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đứng rất lâu
dưới tam quan chùa Song Tử Tây nhìn ra biển vắng. Sau, ông lại rảo nhẹ
một vòng quanh cổng chùa, thi thoảng dừng bước, lần tràng hạt. Giữa náo
động của công việc chuẩn bị cho các buổi lễ, của bầy mòng biển chốc chốc
lượn qua, khoảnh khắc tĩnh tại của vị sư luống tuổi là khoảng lặng đáng
nhớ trong hải trình gấp gáp.
|
Phút trầm tư của hòa thượng Thích Thanh Đàm dưới cổng tam quan. |
Có sự trùng hợp kỳ lạ, sau mỗi lễ cầu siêu dài hàng giờ kết thúc, trời
đổ nước lên những hòn đảo mà nhiều tháng qua không có lấy một giọt mưa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, người
chứng kiến và chụp ảnh những hiện tượng lạ, chia sẻ: "Tôi nhấn mạnh đây
chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng cảnh đám mây hình rồng hướng về chùa, cầu
vồng và những cơn mưa sau lễ cầu siêu, làm chúng ta xúc động. Những
người tham gia lễ cầu siêu rất thành tâm. Tôi cho rằng khi con người có
lòng tin, chúng ta sẽ nhận thức khác, thuận theo những điều tốt đẹp".
Niềm tin ấy giúp thượng tọa Thích
Giác Nghĩa, Phó ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, sám chủ của các
nghi lễ, đã không biểu hiện một chút mệt mỏi nào sau khi chủ trì thực
hiện hàng loạt các nghi thức nghiêm cẩn, kéo dài nhiều giờ như lễ cáo
giang sơn, bạch phật khai kinh, bạt vớt trầm luân, cầu siêu, chẩn tế âm
linh cô hồn...
"Đức Phật dạy bốn ân: quốc gia
thủy tổ, cha mẹ, thầy tổ và những người giúp đỡ tác thành. Lễ cầu siêu
là để phần nào báo đáp các ân đó, giúp linh hồn những anh hùng liệt sĩ
được nhẹ nhàng siêu thoát", thượng tọa Thích Giác Nghĩa cho biết.
|
Một ni cô đi dạo bên bờ biển khi cơn mưa sắp đổ lên đảo Sinh Tồn. |
Những ngôi chùa trên các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có không gian
đẹp, đặc biệt là chùa Song Tử Tây. Khuôn viên chùa rộng rãi, tầm nhìn
khoáng đạt hướng thẳng ra Thái Bình Dương. Đây đích thị là chốn thanh
tịnh, an dưỡng tâm hồn sau những giờ tập luyện, tăng gia sản xuất, lao
động của bộ đội và nhân dân trên đảo.
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng
phòng chính sách, Cục chính trị Quân chủng hải quân, khẳng định: "Trước
khi là lính, bộ đội phải là những công dân có cái tâm hướng thiện. Các
ngôi chùa là một trong những chỗ dựa tinh thần góp phần giúp lính đảo
xây dựng ý chí chiến đấu".
Bóng Phật vẫn thấp thoáng bên
những người thành tâm. Những ngôi chùa ấy đã đứng trong mưa nắng biển
Đông, ngấm vị mặn gió đại dương cùng những người lính đảo thức canh suốt
đêm ngày nơi phần đất thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Hai nhà sư đi trong bóng chiều buông trên đảo xa. |
|
|
Một vị sư trên chuyến tàu HQ996 rời đất liền đi Trường Sa. Lính đảo đón khách. |
|
Trầm ngâm trên boong tàu Vạn Hoa 737 trung chuyển vào đảo Song Tử Tây. |
|
|
Vị hòa thượng trong khung cửa. Một trong nhiều buổi chiều trên đảo. |
|
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. |
|